Hai đại gia từng “tranh giành ghế” vào HĐQT thoái vốn, Eximbank lại sắp có 'sóng' đổi chủ?

Lê Long

05/10/2022 10:10

Hai đại gia từng “tranh giành ghế” vào HĐQT Eximbank là Tập đoàn Âu Lạc do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch HĐQT và Tập đoàn Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn đang muốn rút khỏi Eximbank. Liệu một đợt sóng ngầm khác đang cuộn lên tại Eximbank?

CTCP Tập đoàn Thành Công vừa thông báo đăng ký bán thỏa thuận 60.54 triệu cp EIB trong thời gian 07/10-31/10/2022. Số cổ phiếu mà Thành Công đăng ký bán tương đương 4.924% vốn tại EIB.

Trong cùng thời gian, Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng đăng ký bán thỏa thuận hơn 44.7 triệu cp EIB đang sở hữu, tương đương 3.637%.

CTCP Phúc Thịnh cũng đăng ký bán gần 12.4 triệu cp EIB, tương đương 1.005% vốn theo phương thức thỏa thuận.

Những công ty đăng ký thoái vốn tại Eximbank đều có mối liên hệ với bà Lê Hồng Anh - Thành viên HĐQT Eximbank. Bà Anh hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT tại CTCP Thành Công và bà Anh vừa là em chồng của người quản lý Hợp tác xã cổ phần Thành Công, vừa là chị dâu của người quản lý CTCP Phúc Thịnh.

Bà Hồng Anh sinh năm 1975 là vợ của ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch Tập đoàn Thành Công).  Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land (công ty con của Thành Công Group). 

Nếu thoái vốn thành công, CTCP Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công và cả CTCP Phúc Thịnh đều không còn là cổ đông tại EIB. Hiện ba doanh nghiệp nêu trên chưa công bố bên mua thỏa thuận cũng như giá giao dịch thỏa thuận. Tổng số lượng cổ phiếu EIB mà 3 doanh nghiệp này đăng ký bán là hơn 117 triệu đơn vị, chiếm gần 9,57% vốn điều lệ của Eximbank.

Tạm tính theo thị giá của EIB, số tiền thu về nếu bán thành công số lượng cổ phiếu nêu trên là hơn 3.800 tỷ đồng.

Không chỉ có nhóm Thành Công, một đại gia khác từng “tranh giành ghế” vào HĐQT Eximbank, là Tập đoàn Âu Lạc do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch HĐQT cũng đã bán gần hết cổ phiếu Eximbank. 

Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021, Âu Lạc nắm giữ hơn 4,3 triệu cổ phiếu Eximbank với giá gốc là 72,2 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 145,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6, công ty này chỉ còn sở hữu 319.700 cổ phiếu Eximbank, với giá gốc gần 10 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 10,2 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng nửa năm, Âu Lạc đã bán gần 4 triệu cổ phiếu Eximbank, thu về khoản lãi chứng khoán là 79,3 tỷ đồng.

Hồi giữa tháng 9/2022, Eximbank cho biết ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT của EIB do ông Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC. SMBC hiện còn nắm giữ 15% cổ phần EIB.

Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu EIB ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng. Riêng phiên 30/09, thị trường ghi nhận hơn 64 triệu cp EIB được sang tay với giá trị hơn 2,498 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch 38,932 đồng/cp.

Các phiên trước đó từ 23 – 29/09 cũng ghi nhận từ 3-4 triệu cp giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB với giá 34,000 – 35,000 đồng/cp.

Hiện, cổ phiếu EIB đang được giao dịch quanh mức 32,500 đồng/cp (kết phiên 04/10), tăng hơn 7% so với đầu tháng 9 với thanh khoản bình quân 1 triệu cp/ngày. Trong tháng 9, EIB là cổ phiếu có thị giá (tăng 15%) và thanh khoản tăng mạnh nhất với 6.4 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, gấp 3.7 lần tháng trước.

Tính chung từ đầu tháng 9 đến nay, đã có gần 116.6 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 4,214 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, thị trường cũng ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng với 25 triệu cổ phiếu EIB được sang tay ở mức giá 40,000 đồng/cp, trị giá 1,000 tỷ đồng. Tổng cộng, trong tháng 3/2022 có khoảng hơn 48 triệu cp EIB được mua bán thỏa thuận, chiếm 3.9% vốn điều lệ của Eximbank.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến quyền lực ở Eximbank ngã ngũ khi bà Tú được bầu vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank trong quý đạt 1.093,7 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến nay, ngân hàng có 1.902,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh so với mốc 554,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm nước. Điều đáng nói, đây cũng là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ 2013 tới nay.

Mua vào lượng lớn cổ phần Eximbank năm 2019 với tham vọng hoàn thiện hệ sinh thái "kiềng ba chân" gồm ô tô - bất động sản - tài chính ngân hàng, thế nhưng chỉ sau một năm đưa được người của mình vào HĐQT của Eximbank, và tình hình tại Eximbank vừa ổn định thì đại gia Tuấn "Thành Công" lại muốn thái sạch vốn.

Với động thái khá bất ngờ này của các tổ chức liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như diễn biến giá cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây, liệu có phải là chỉ dấu báo hiệu một đợt sóng ngầm khác đang cuộn lên tại Eximbank?

Lê Long
Người theo dõi

Người theo dõi

10:18 05/10/2022

Quý Báo quả là có thông tin nhanh nhạy