Ngày 25.2, Grab thông báo gọi vốn thành công hơn 850 triệu USD từ hai nhà đầu tư Nhật Bản. Đối tác MUFG, hiện là một trong những tổ chức tài chính và là ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, cam kết sẽ đầu tư 706 triệu USD vào Grab. Ngoài ra, nhà cung cấp giải pháp công nghệ và viễn thông của Nhật Bản, TIS sẽ rót 150 triệu USD vào Grab.
Tính đến nay, Grab hiện có 9 triệu tài xế, đối tác và khoảng 185 thiết bị di động tại khu vực Đông Nam Á cài đặt ứng dụng.
Sau tám năm vận hành hệ thống, Grab có dữ liệu của khách hàng và tài xế từ các ứng dụng gọi xe, giao hàng, gọi thức ăn và chi tiêu của khách hàng. Việc có riêng một ngân hàng số có thể giúp Grab trong việc quản lý dòng tiền vốn đang nằm trong lượng khách hàng đang cài đặt ví điện tử của ứng dụng. Chỉ riêng tại Việt Nam, 35% giao dịch thực hiện trên ứng dụng Grab thông qua ví điện tử, trong khi con số này tại Singapore đạt 77%. Grab cũng là ví điện tử duy nhất có giấy phép hoạt động tại sáu quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Mọi người dùng trên ứng dụng của Grab đều có thể trở thành khách hàng của Grab. Chỉ riêng những đối tác lái xe, Grab có thể theo dõi mức lương của tài xế và phân tích những gói sản phẩm bảo hiểm hay tín dụng phù hợp với họ.
Đông Nam Á là khu vực có thị trường tiêu thụ lớn với dân số hơn 600 triệu người. Tính đến năm 2028, khu vực này có khoảng 110 triệu người trong độ tuổi từ 15-24, tương đương với 71% dân số của nhóm tuổi này tại Trung Quốc, theo Asia Partners 2019. Với lượng dân số trẻ ở mức cao, Đông Nam Á có tiềm năng của các dịch vụ tài chính và nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên các sản phẩm tín dụng và cả gói bảo hiểm chưa thực sự phù hợp với khách hàng. Grab cho biết, mức độ thâm nhập của ngành bảo hiểm tại khu vực Đông Nam Á chỉ đạt 3,6%, thấp hơn mức trung bình 6,1% của thế giới.
Trước đó, Grab cũng đã có thuận lợi khi hợp tác với Singtel - công ty viễn thông lớn nhất của Singapore để xin giấy phép thành lập ngân hàng số.
Dâng Phạm