Grab đẩy mạnh khai thác kênh kinh doanh online

thunguyen

06/05/2019 16:22

Là siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, Grab nhìn chung vẫn chưa phát huy tối đa những lợi thế sẵn có của mình.

Grab Academy đào tạo các kỹ năng bán hàng online cho đối tác (Ảnh: Grab)
Grab Academy đào tạo các kỹ năng bán hàng online cho đối tác (Ảnh: Grab)

Grab vừa đẩy mạnh việc hỗ trợ các cá nhân kinh doanh trên mạng (bán hàng online) thông qua việc tăng điểm giao hàng cho dịch vụ giao nhận Grab Express và đào tạo bán hàng online qua Grab Academy.

Với Grab Express, người bán hàng online có thể đặt tới 10 điểm đến cho một lần gọi xe, Ứng dụng sẽ tối ưu quãng đường và thu phí vận chuyển. Tuy nhiên, hạn chế của Grab Express là giới hạn giá trị đơn hàng, chỉ ở mức 500 nghìn đồng/đơn. Khi đơn hàng có giá trị lớn hơn, người bán phải tự thỏa thuận với shipper (người vận chuyển hàng), nhưng thông thường cũng chỉ có thể giới hạn ở mức 2 triệu đồng do các shipper không sẵn tiền mặt.

Trong kinh doanh online, khi người mua và người bán không quen biết nhau và không có sự đảm bảo, hình thức thanh toán được người mua lựa chọn thông thường là COD – cash on delivery, tức là trả tiền mặt khi nhận hàng (và kiểm tra hàng). Rủi ro phát sinh khi shipper thu hộ tiền hàng và không trả lại tiền cho người bán, hoặc nhận hàng mà không giao cho người mua. Để đảm bảo, người bán và shipper thường thỏa thuận tạm ứng số tiền của đơn hàng và nhận lại sau từ người mua.

Cần có một trung gian thanh toán ở giữa đảm bảo cho việc thanh toán này. Khi người bán giao hàng cho shipper, tiền từ shipper sẽ được tạm chuyển sang người bán và giữ lại tại trung gian thanh toán. Sau khi xác nhận giao hàng thành công, người mua thanh toán tiền hàng cho shipper, số tiền đó sẽ chính thức được chuyển từ trung gian thanh toán vào cho người bán, trong khi shipper được giữ lại số tiền nhận từ khách hàng.

Grab với mạng lưới đối tác lái xe và người dùng đông đảo, và số lượng người sử dụng ví điện tử GrabPay by Moca đang tăng dần có đủ điều kiện để trở thành trung gian thanh toán như vậy. Công bố mới đây của Grab cho biết hiện có khoảng 35% khách hàng của ứng dụng này đang sử dụng ví điện tử GrabPay by Moca.

Gắn với dịch vụ đi lại, vận chuyển hàng và mua đồ ăn, khách hàng của Grab có mật độ sử dụng dịch vụ tương đối thường xuyên. Có mặt tại 36 tỉnh/thành phố trên cả nước, Grab cho biết cứ bốn người Việt Nam thì có một người sử dụng một dịch vụ của Grab trong một tháng.

Tuy vậy, đến nay Grab mới chỉ dừng lại ở việc mở các khóa đào tạo dành cho các cá nhân bán hàng online và tăng điểm giao nhận cho một đơn hàng Grab Express (trước kia mỗi shipper chỉ nhận một điểm giao hàng). Ví điện tử GrabPay by Moca cũng mới chỉ phát huy tác dụng ở công đoạn thanh toán phí vận chuyển, chưa đứng ra đảm nhận dịch vụ thu tiền hộ.

Anh Trương Ngọc Hải, phụ trách marketing online công ty thực phẩm Fdastandard Trinity cho biết, hiện công ty có nhu cầu giao các đơn hàng có giá trị có khi lên tới hàng chục triệu đồng. Là sản phẩm đông lạnh (thịt cua biển), công ty không thể ký gửi hàng qua các trang thương mại điện tử hiện có, mà phải bán hàng độc lập. Để dùng dịch vụ Grab Express, anh Hải thường phải tách các đơn hàng xuống giá còn khoảng 2 triệu đồng, và giao lần lượt. Nhưng ngay cả với 2 triệu đồng, anh vẫn phải thỏa thuận riêng với tài xế Grab để họ đặt cọc số tiền tương đương.

Tuy vẫn còn nhiều bất cập trong việc hỗ trợ kinh doanh online, với việc mở các lớp đào tạo, tăng tương tác, Grab đã phát đi tín hiệu sẽ tham gia sâu hơn vào lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Khác với các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee buộc các cá nhân bán hàng phải ký gửi hàng vào kho chung, các cá nhân bán hàng độc lập tự quản lý và giao các đơn hàng của mình. Các dịch vụ giao hàng như Giao Hàng Nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Grab Express, và thậm chí cả các cá nhân chuyên giao hàng,… tham gia trực tiếp vào việc chuyển hàng từ tay người bán đến người mua mà không cần ký gửi tại kho chung. Tính linh động giúp hình thức bán hàng online trực tiếp, cũng như các dịch vụ giao hàng hỗ trợ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Grab đẩy mạnh khai thác kênh kinh doanh online" tại chuyên mục Khoa học quản lý.