Góc nhìn chuyên gia: Thời điểm nào thị trường bất động sản mới phục hồi?

Quang Khải

29/09/2023 15:10

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đang trong trạng thái trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp không đưa ra sản phẩm mới, còn nhà đầu tư thì “án binh bất động” chờ đợi…Cầu hỏi lúc này của doanh nghiệp và nhà đầu tư là thời điểm nào thì thị trường bất động sản mới phục hồi, sôi động trở lại?

Tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 7 có đưa ra các số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS. Theo đó, năm 2022, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn. 

Số liệu mới nhất từ Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những con số trên khẳng định, thị trường Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế. 

382575677-1000844901186113-7894372429575361569-n-1695974792.jpeg
Các chuyên gia dự báo thị trường BĐS sẽ bắt đầu phục hồi từ quý II và III/2024. Ảnh: Quang Khải

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 sẽ vần còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...

Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt. 

Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/ 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/ 5.601,31 tỷ USD).

Theo đó, dự báo từ 2023-2025, căn hộ chung cư sẽ là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất của thị trường bất động sản nhà ở (chiếm khoảng 90% nguồn cung nhà ở thương mại). Phân khúc nhà biệt thự, liền kề cao cấp dự kiến khó có sự đột phá trong ngắn hạn. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng, đặc biệt là các biệt thự ven biển sẽ tăng trưởng khả quan trong giai đoạn này…

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, từ chỗ nguồn cung trong quý I sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, chỉ có hơn 1.000 giao dịch nhưng sang tới quý II đã có sự chào bán trở lại với trên 200 sản phẩm và có khoảng 3.700 giao dịch thành công; sang đến quý III đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán. 

“Những điều này cho thấy, điều hành của Chính phủ đã có những kết quả bước đầu. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện các luật, các cơ chế, chính sách”, TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng. 

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng. 

“Chúng tôi dự đoán quý IV/2023 là thời điểm bắt đầu phục hồi. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc do các chính sách tháo gỡ khó khăn đang từng bước có tác động tốt đến thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng hy vọng rằng quý II đến quý III/2024, thị trường sẽ có dấu hiệu phục hồi nhưng sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ. 

Cũng theo ông Nghĩa, thị trường hiện nay đang khủng hoảng phân khúc và phân khúc đang thiếu nhất là nhà ở giá rẻ. Cần phải thành lập quỹ để cho vay nhà ở giá rẻ hoặc quỹ tín thác nhà ở giá rẻ. Cùng với đó, không nên để cho những nhà phát triển bất động sản giá rẻ chịu thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương mại…

Quang Khải