Góc nhìn chuyên gia: Lãi suất những tháng cuối năm sẽ ra sao và dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

Mai Ngọc

16/09/2023 06:34

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng giảm. Theo đó, nhiều chuyên gia dự báo lãi suất sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh trong những tháng còn lại của năm 2023.

Theo TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen, thông thường vào các tháng 3,6,9,12 các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo chu kỳ điều chỉnh 3 hoặc 6 tháng/lần, tùy gói vay và chính sách của các nhà băng. Với việc lãi suất huy động đã giảm sâu như vừa qua, có thể ngay trong kỳ điều chỉnh cuối tháng 9/2023 mặt bằng chi phí lãi vay sẽ được giảm mạnh.

Việc lãi vay giảm nhanh sẽ giúp hạ áp lực chi phí tài chính và gia tăng thặng dư trong dòng tiền đáng kể cho người đi vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cá nhân được hưởng lợi từ điều này cần lưu ý, đây là giai đoạn tái cơ cấu tình hình tài chính tổng thể, đồng thời thiết lập các mục tiêu tài chính và kỷ luật trong quản lý dòng tiền dài hạn, thay vì buông lỏng kiểm soát”, TS.Phùng Thái Minh Trang nhận định.

Ts. Minh Trang cũng chia sẻ thêm, với các cá nhân, nên cân nhắc sử dụng khoản thặng dư do lãi vay giảm xuống để: 1) khôi phục số dư quỹ dự phòng (3-6 tháng chi tiêu) - chỉ tiêu có thể đã bị ảnh hưởng không ít bởi giai đoạn khó khăn như vừa qua; 2) bổ sung hạn mức bảo hiểm, nếu cần thiết; 3) phân bổ vào các khoản đầu tư hoặc tiết kiệm; 4) bổ sung vào các khoản giải trí.

Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen khuyến nghị, doanh nghiệp có thể cân nhắc bổ sung phần tiền tiết kiệm thêm được từ việc lãi vay giảm xuống vào vốn lưu động để chuẩn bị cho mùa mùa kinh doanh cao điểm cuối năm; tăng tích lũy dự phòng; hoặc phân bổ vào ngân sách để tái đầu tư.

379327766-206357252454874-1848750698416456789-n-1694820730.jpeg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Mai Ngọc

Theo các nhà phân tích, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Do đó, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.

Phát biểu tại một hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cũng nhận định, đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhưng không quay về mặt bằng trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất tiền gửi thời kỳ Covid-19 cao nhất khoảng 7,5%/năm; tăng vọt lên 10,5%, thậm chí 11%/năm cuối năm 2022; hiện giảm khoảng 1%, xuống còn 9,5%/năm.

Chứng khoán Rồng Việt (DCDS) trong báo cáo cập nhật triển vòng ngành nửa cuối 2023 đưa ra dự báo, Ngân hàng nhà nước sẽ có thêm một lần cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, sớm nhất trong quý ba. Mặt bằng lãi suất điều hành sẽ trở về mức thấp của giai đoạn trước Covid-19.

Theo Chứng khoán VNDirect dự báo, dù lãi giảm, dòng tiền tiết kiệm đổ vào các nhà băng vẫn tăng lên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 6/2023. Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối 2022. So với tháng 5/2023, tiền gửi tiết kiệm của cư dân vào hệ thống ngân hàng tháng 6 tăng hơn 35.340 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, trong xu hướng lãi suất huy động thấp như hiện nay, dòng tiền của nhà đầu tư khó chảy ồ ạt vào kênh tiết kiệm.

"So với hồi đầu năm, nhiều người có thể phân bổ trên 50% danh mục vào kênh tiết kiệm do lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, hiện tại cơ cấu tiền gửi trong danh mục có thể thay đổi, nhà đầu tư có xu hướng đa dạng hóa kênh đầu tư", chuyên gia nhận định.

Mai Ngọc