Góc nhìn chuyên gia: “Cần tạo nên sự khác biệt trong từng sản phẩm, đó là những gì du lịch Quảng Bình nên hướng đến…”

Quang Phúc - Ngô Sinh

12/06/2024 11:30

Mới đây, Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã phối hợp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan của tỉnh Quảng Bình tổ chức Chương trình Hội nghị & Đối thoại “Du lịch xanh và Sản phẩm OCOP Quảng Bình: Hành trình chinh phục thị trường”. Tại Hội nghị & Đối thoại, nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý kiến khác nhau trong việc phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình là một trong số ít địa phương tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sở hữu một di sản 2 lần được UNESCO vinh danh. Đó là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hơn 300 hang động kỳ bí có lịch sử hàng trăm triệu năm; Sơn Đoòng, kỳ quan được thế giới đánh giá là một điểm đến đẹp nhất hành tinh.

Những báu vật vô giá này đang khiến Quảng Bình trở thành điểm đến mơ ước của hàng triệu du khách quốc tế và cũng thuộc nhóm tỉnh thành đang dẫn đầu Việt Nam về tăng trưởng du lịch. Quảng Bình ghi nhận lượt khách tăng gần 30% và tăng trưởng riêng về khách quốc tế đạt 35% - con số kỷ lục so với mặt bằng chung khoảng 15-20% tại nhiều thị trường du lịch trọng điểm tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch đạt 10 - 12% GRDP của tỉnh Quảng Bình.

Với với những việc làm thiết thực, cách quảng bá chuyên nghiệp và dựa vào nguồn tài nguôn sẵn có, Quảng Bình sẽ trở thành một địa chỉ du lịch được du khách trong nước, quốc tế ưu tiên lựa chọn. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, định hướng trong đó phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng một cách bền vững. Định vị Quảng Bình là một điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam.

z5528583685142-d953528aeff4d2466c15a1b2c0781be0-1718166226.jpg
Các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ về các hoạt động phát triển du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

Ngoài hệ thống hơn 400 hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, tỉnh này còn có hệ thống hạ tầng vô cùng thuận lợi để phục vụ phát triển du lịch. Do đó, Quảng Bình sẽ tiếp tục xác định du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm là "lối mở" cho việc phát triển kinh tế trong tương lai gần.

Cùng với bốn khu du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư và một số dự án du lịch nghỉ dưỡng khác được ký biên bản ghi nhớ đầu tư, ngay trong hội nghị xúc tiến đầu tư, Quảng Bình còn kêu gọi đầu tư thêm 12 dự án du lịch khác. Tuy nhiên, với sự ưu đãi của thiên nhiên, Quảng Bình vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng và giá trị của mình. Thời gian sắp tới, tỉnh cần có một chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy tiềm năng vốn có của địa phương.

Theo đó, tại phiên đối thoại với chủ đề “Du lịch xanh - Phát triển bền vững”, đại biểu đã thẳng thắn trình bày quan điểm liên quan đến phát triển du lịch Quảng Bình.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ông Đặng Đông Hà chia sẻ: “Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Quảng Bình là du lịch “mùa vụ”. Tất nhiên không sai nhưng chúng ta nên xem xét những giá trị mà du lịch Quảng Bình mang lại trong cả năm chứ không riêng khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Hơn nữa, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm du lịch mới, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết trong đó phải kể đến làng du lịch Tân Hóa hay khu nghỉ dưỡng Bang Onsen”.

Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á cho biết thêm: “Ẩm thực cũng là yếu tố thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình. Do đó, chúng ta cần tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm kết hợp tạo sinh kế cho người dân, đó là những gì du lịch Quảng Bình nên hướng đến”.

z5528355989455-0d51b5794bda40edfdf844a40a01d6fe-1718166323.jpg
 
z5528355780137-e17457e2b48b84b4d3ff0b2183102d80-1718166322.jpg
Tại Hội nghị & Đối thoại, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình được giới thiệu đến người tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên

Theo đó, tại lễ  kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo để Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch khám phá thiên nhiên. 

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn của quân và dân Quảng Bình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu ấn tượng, toàn diện của Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới!

Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, trên nền tảng vững chắc và những thành tựu quan trọng đạt được sau gần 50 năm thống nhất đất nước, 35 năm tái lập tỉnh, cùng với tương lai tươi sáng của đất nước, Quảng Bình có có hội to lớn phát triển bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền trung với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và quân và dân tỉnh Quảng Bình cần phát huy hơn nữa những thành tựu, kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên; trong đó tập trung vào một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại; khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm; chủ động hơn, sáng tạo hơn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội và đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Thứ hai: Phát huy hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình; các giá trị tốt đẹp phong trào “Gió Đại Phong”, phong trào “Hai giỏi”, khí phách “Quảng Bình quật khởi” - coi đây là cốt cách, bản sắc riêng và là nguồn lực to lớn để Quảng Bình phát triển thịnh vượng, bền vững.

Đặc biệt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn và khác biệt, tầm vóc thế giới, phát huy lợi thế "Vương quốc hang động" với hệ thống hơn 500 hang, trong đó có các hang Sơn Đoòng, hang Én “độc nhất vô nhị” của thế giới; để du lịch thật sự là ngành mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế-xã hội, gắn với lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững.

Thứ ba: Xác định phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu khách quan, là nguồn tài nguyên vô tận, là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy mạnh tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Thứ tư: Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, tiềm năng mới, giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch mới, thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, tạo thêm sinh kế và nâng cao đời sống của người dân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi. Phát huy lợi thế về cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế để đưa Quảng Bình trở thành một đầu mối giao thương quan trọng ở miền Trung.

Thứ năm: Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân; tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... Làm tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữ gìn, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn, văn minh, hiện đại. Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh đẹp, hang động, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, rừng xanh - đây là những tài sản quý giá cần nâng niu, gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau.

Thứ sáu: Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý Quảng Bình cần đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, tiềm năng mới, giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch mới, thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, tạo thêm sinh kế và nâng cao đời sống của người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Quang Phúc - Ngô Sinh