Founder Alluvia Nguyễn Hải Yến: “Tôi ước một ngày nào đó chocolate Việt Nam sẽ có mặt trên bản đồ chocolate thế giới”

Đức Linh (thực hiện)

14/05/2024 11:36

Gần 10 năm khởi nghiệp với việc nghiên cứu, sản xuất chocolate Việt từ cây cacao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hải Yến – đồng sáng lập thương hiệu Alluvia đã “thấm” nỗi truân chuyên của ngành sản xuất non trẻ này, khi thế giới đã phát triển nó hơn cả trăm năm, còn mình như đứa trẻ chập chững. Thế nhưng, dù mới phát triển nhưng ông Nguyễn Hải Yến vẫn tự tin chocolate đến từ Việt Nam sẽ có cơ hội lớn ở ngách thủ công cao cấp khi bước ra thế giới.

1-1715660321.jpeg
Cacao miền Tây - Việt Nam có hương vị độc đáo và được đánh giá là một trong những loại cacao ngon nhất thế giới.

Đã từ lâu, cacao được biết đến là một loại “vàng nâu” của thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, một thời gian dài, loại cây này dù có chất lượng rất cao nhưng giá trị tại vùng trồng rất thấp, chỉ là hàng nông sản xuất thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp. Mặc dù được đưa vào Việt Nam năm 1954, tuy nhiên, do nhiều biến động trong các khu vực sản xuất nông nghiệp đã làm loại cây này không có nhiều cơ hội phát triển. Hiện nay, mỗi năm tổng sản lượng ước đạt khoảng 4.000 tấn cacao hạt thô, chỉ chiếm 0,1% sản lượng toàn thế giới.

Phải thay đổi hiện trạng đó, nâng cao giá trị cây cacao Việt Nam thông qua chế biến sâu với sản phẩm chocolate, đó là mong mỏi được ông Nguyễn Hải Yến - đồng sáng lập công ty TNHH Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo - nhà sản xuất chocolate Tiền Giang với thương hiệu Alluvia khi chia sẻ với Nhà Quản Lý.

ava-1715660169.png
Ông Nguyễn Hải Yến cùng vợ là nhà sáng lập thương hiệu Alluvia.

Phóng viên: Qua nhiều năm tìm hiểu, ông đánh giá gì về sản phẩm cacao của Việt Nam nói chung, của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng? Những cơ duyên nào đưa ông và các cộng sự khởi nghiệp với cacao và sản phẩm chocolate này?

Ông Nguyễn Hải Yến:  Hiện nay, cacao của Việt nam được đánh giá thuộc top 5% hạt cacao quý của thế giới vì có hương thơm đặc biệt. Đồng bằng sông Cửu Long là “vương quốc trái cây” của Việt Nam với nhiều loại trái cây ngon, và cacao trồng ở miền Tây luôn nằm trong top những hạt cacao ngon nhất thế giới với hương trái cây độc đáo nhờ xen canh và được nuôi dưỡng bằng phù sa sông Mê Kông. Ngoài ra, bơ cacao trong hạt tại Tiền Giang, Bến tre cũng nhiều hơn so với các vùng khác.

Về cơ duyên đến với khởi nghiệp cacao và chocolate. Trong một chuyến công tác sang Đức vào năm 2015, tôi và vợ mình đã được bạn bè dẫn đi thăm thú nhiều nơi ở châu Âu. Chuyến đi đó khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những xưởng sản xuất chocolate lớn nhỏ khắp Thụy Sỹ - Bỉ - Đức, những quốc gia nổi tiếng có chocolate ngon. Khi tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, vì đất đai và khí hậu không phù hợp để trồng cây cacao – nguyên liệu chính để sản xuất chocolate, nên hầu hết nhà máy sản xuất chocolate ở châu Âu đều nhập cacao từ châu Phi, châu Mỹ hoặc châu Á. Lúc đó, tự dưng trong đầu chúng tôi loé lên câu hỏi: 'Châu Âu không trồng được cacao ngon mà họ vẫn có thể tạo ra những thanh chocolate trứ danh thế giới, vậy tại sao Việt Nam lại không thể?!.

Nghĩ là làm, khi về Việt Nam, tôi và vợ đã quyết tâm khởi nghiệp làm chocolate. Vì chocolate do chúng tôi sản xuất dựa trên những hạt cacao trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có phù sa dồi dào, tạo ra hương vị trái cây đặc trưng mà không có nơi nào trên thế giới có được nên thương hiệu Alluvia - Phù Sa cũng ra đời từ đó.

a3-1715660598.png
Vợ chồng Nhà sáng lập Alluvia hiện đang phải kiêm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất, cũng như chinh phục những khách hàng khó tính trong nước và mở rộng thị trường quốc tế của Alluvia thời gian tới thế nào? 

Ông Nguyễn Hải Yến: Câu hỏi “chạm” vào những nỗi lòng của những người khởi nghiệp như chúng tôi. Khi mới bắt đầu, chúng tôi có vô số khó khăn, khó khăn đầu tiên và phổ biến trong giới khởi nghiệp là về vốn, kế đến là về nhân sự vì mình không đủ tiền để trả thật cao để tìm những nhân sự giỏi từ các công ty khác. Thời điểm khởi nghiệp, chúng tôi phải tận dụng hết tất cả những nguồn lực có sẵn như tiền tích lũy trong quá trình làm việc và các nhân sự chủ yếu là họ hàng. Cho đến giờ chúng tôi rất trân trọng những người đã gắn bó với mình trong suốt thời gian khởi nghiệp đầy gian khó.

Tại Việt Nam, chocolate cũng là ngành mới nên từ công thức chế biến lẫn công nghệ sản xuất chúng tôi phải tự mày mò, tìm hiểu để tự làm chứ không có trường lớp nào ở Việt Nam dạy cách làm chocolate. Do đó, không phải tất cả thử nghiệm của Alluvia đều thành công. Còn nhớ hồi Covid-19 có phong trào kết hợp thanh long vào các thực phẩm khác nhau, như bánh mì – bánh tráng… Lúc đó, chúng tôi cũng đã thử kết hợp thanh long với chocolate, thành phẩm cuối cùng có màu rất đẹp nhưng hương vị lại không quá đặc sắc. Vậy nên, chúng tôi đã dừng lại dự án đó.

Khó khăn tiếp theo là về thị trường, vì thói quen tiêu dùng, người Việt vẫn chưa quen dùng phổ biến cacao và chocolate như cà phê, mặc dù chocolate được mệnh danh là “vàng nâu” ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu, Nhật. Do đó công ty chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian và công sức để truyền thông cho khách hàng trong nước biết tác dụng tốt của cacao và chocolate đối với sức khoẻ.

Hệ thống phân phối cũng là vấn đề lớn với những doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi, đặc thù là chocolate thủ công, có giá bán ngang ngửa chocolate nhập khẩu, sản phẩm của chúng tôi rất khó tiêu thụ ở những siêu thị đại chúng bình dân, khiến cơ hội tiếp cận khách hàng Việt Nam của chúng tôi khá hạn chế. Còn ở những siêu thị cao cấp, có tệp khách hàng mục tiêu của Alluvia, chúng tôi cũng không có lợi thế cạnh tranh cụ thể vì không thể đến trực tiếp giới thiệu hương sắc riêng của mình với khách hàng. Do đó, khi thương lượng với các siêu thị, những startup mới như chúng tôi thường yếu thế hơn nếu muốn vào các kênh phân phối lớn.

Tuy vậy, cũng có những điều kiện thuận lợi mà chỉ có ở Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long mang lại. Vì đây là nơi “cất giấu” nguồn cacao hảo hạng, được thế giới đánh giá là “ngon nhất thế giới” nên socola làm ra từ hạt cacao này có chất lượng rất cao. Alluvia cũng may mắn có được đội ngũ cộng tác rất năng động sáng tạo, cho đến giờ, mọi người cùng nhau vượt qua được bão Covid-19. Bên cạnh đó mình cũng nhận được sự hỗ trợ rất đáng kể của chính quyền địa phương như Sở Công Thương đã hỗ trợ một phần trong việc mua máy móc và hỗ trợ trưng bày sản phẩm ở các hội chợ thương mại. Khá may mắn, bằng nhiều cách tiếp thị và truyền thông, sản phẩm chocolate do chúng tôi sản xuất ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn tin dùng.

alluvia-1715660242.jpeg
Hiện nay, người tiêu dùng đánh giá cao về các sản phẩm chocolate của thương hiệu Alluvia.

Phóng viên: Được biết, các sản phẩm của Alluvia đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ông có thể chia sẻ thêm về những thành công này?

Ông Nguyễn Hải Yến: Ngành socola đến từ Âu, Mỹ, Nhật họ có lịch sử rất lâu đời, Việt Nam mới vừa gia nhập sân chơi này nên mình không thể cạnh tranh trực tiếp với họ được mà mình phải đi vào thị trường ngách đó là sản xuất các sản phẩm socola thủ công (Boutique), Alluvia sản xuất socola trực tiếp từ trái cacao, trải qua quá trình lên men, phơi, tách vỏ rồi rang, nghiền, kế đến là rót khuôn, đóng gói. Các công đoạn này đều làm thủ công nhưng có áp dụng công nghệ châu Âu ở những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao (nghiền mịn và tempering).

Bên cạnh đó, người nước ngoài họ không thích sản phẩm như họ đang có mà thích những sản phẩm làm thủ công của Việt Nam. Nhưng chúng tôi hiểu yêu cầu của họ về sản phẩm cũng rất cao. Do đó, chúng tôi định hướng làm ra sản phẩm phải đạt chuẩn quốc tế. Quá trình sản xuất, chúng tôi đã kết hợp với các loại hạt, trái cây, gia vị đặc trưng của các vùng miền Việt Nam cùng với bộ thiết kế hình quả cacao độc đáo, tạo dấu ấn riêng để khách hàng nhiều nước lựa chọn chocolate của Alluvia. Nhờ vậy các sản phẩm của Alluvia có sự khác biệt so với các loại chocolate từ nước ngoài.

Hiện tại Alluvia có trên 30 dòng sản phẩm chocolate được người tiêu dùng đánh giá cao về kiểu dáng cũng như chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng phối trộn chocolate với các loại trái cây hoặc gia vị của Việt Nam để cho ra đời các dòng sản phẩm đặc trưng độc đáo như: chocolate hạt điều, chocolate quế, chocolate cam, chocolate dừa, chocolate ớt, chocolate tiêu, chocolate mắc khén… Đặc biệt, Alluvia đã cho ra mắt sản phẩm “chocolate đen mật hoa dừa” dành cho người tiểu đường sử dụng. Khi sản phẩm lần đầu tiên đặt chân lên đất Nhật Bản, đây vốn là thị trường khó tính khi dùng chocolate, thế nhưng người tiêu dùng ở đây tỏ ra vô vùng thích bởi hương vị khác biệt, đặc biệt bao bì quá ấn tượng bởi mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Còn khách hàng tại Mỹ thì ngạc nhiên: chocolate vốn đắng, tại sao có mùi vị cuốn hút lạ lùng?.

Cách đây không lâu, các sản phẩm Alluvia đã đạt được chứng chỉ HACCP do Bureau Veritas cấp và được chứng nhận sản phẩm OCOP, đây chính là minh chứng cho sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp chúng tôi. Alluvia hiện đang có một nhà máy sản xuất cacao – chocolate tại Tiền Giang, 12 cửa hàng và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Trong những tháng còn lại của năm 2024, Alluvia dự định sẽ mở thêm 5 cửa hàng ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Bên cạnh thị trường truyền thống của Alluvia là Nhật Bản, Châu Âu, chúng tôi tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á thông qua bán buôn hoặc mở cửa hàng trong năm nay. Trong ba năm sắp tới, những nhà sáng lập Alluvia kỳ vọng tăng số lượng cửa hàng tự mở lên gấp đôi, cán mốc 30 cửa hàng cả trong lẫn ngoài nước.

a2-1715660242.png
Tự tay làm những thanh chocolate và mang về - dịch vụ du lịch trải nghiệm đang thu hút du khách nhí.

Phóng viên: Được biết, ông và các cộng sự đang triển khai chương trình thiết kế tour đến tận vườn tham quan quá trình thu hoạch, chế biến ra các sản phẩm chocolate... Vì sao lại có ý tưởng kinh doanh độc đáo này?

Ông Nguyễn Hải Yến: Điều may mắn là “trong cái khó ló cái khôn”, chương trình tour này ra đời trong thời điểm dịch Covid-19. Do Covid-19, thị phần của Alluvia bị ảnh hưởng nặng nề do không còn khách quốc tế, và Alluvia đã thiết kế chương trình tour để thử xoay chuyển tình hình. Cũng khá bất ngờ, tour thu hút được khá nhiều khách trong thời điểm đó vì đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.

Lúc đó mọi người không đi du lịch xa được, cảm thấy bức bối muốn tìm nơi thoát ra khỏi thành phố, trở về thiên nhiên yên tĩnh, cha mẹ con cái cần không gian để kết nối thiên nhiên kết nối cùng nhau, cùng học về cách làm chocolate Việt Nam. Đây hoàn toàn là tour 'cây nhà – lá vườn', bởi ngay cả hướng dẫn viên cũng là nhân viên của nhà máy. Nhân viên nào rảnh thì dẫn khách đi tham quan và trải nghiệm, nếu không biết tiếng Anh thì dùng Google dịch. Đây là một hình thức du lịch nông nghiệp bản địa đang trở thành trend như hiện nay. Rất nhiều khách đã chia sẻ trên Facebook và YouTube. Đến nay, tour du lịch sinh thái trải nghiệm làm chocolate của Alluvia đã đón được gần 10.000 lượt khách.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông, chúc thương hiệu Alluvia ngày càng phát triển!

Đức Linh (thực hiện)