Ngày 20.5, CEO Mark Zuckerberg thông báo ra mắt tính năng thương mại trực tuyến Facebook Shops (Cửa hàng Facebook) trên cả nền tảng Facebook và Instagram. Vốn đã tích hợp Marketplace với chức năng như một sàn thương mại điện tử, giờ đây Facebook sẽ càng đẩy mạnh hoạt động này thêm nữa. Theo thống kê, Facebook hiện có 2,6 tỉ người dùng, và 160 triệu doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng. Do vậy, dịch vụ Shops đủ tiềm năng để chính thức cạnh tranh với Amazon và eBay, hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại trực tuyến. Chưa kể, với nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ, mạng xã hội có thể cải thiện dịch vụ hoặc tăng phí quảng cáo.
Khi thiết lập miễn phí, cửa hàng Facebook sẽ xuất hiện ngay trên tài khoản Facebook và Instagram của người dùng, và sẽ sớm có trên Messenger và WhatsApp. Người dùng có thể duyệt các sản phẩm, nhắn tin với doanh nghiệp để sắp xếp mua hàng, thậm chí mua trực tiếp nhờ tính năng thanh toán trực tuyến mới mà không cần chuyển đổi ứng dụng trên điện thoại. Các cửa hàng Facebook sẽ giúp doanh nghiệp “hoàn thành cuộc trao đổi và giao dịch mua bán thường xuyên hơn, ít khách bỏ giỏ hàng giữa chừng”, theo Zuckerberg. Ở Mỹ, Facebook đã triển khai dịch vụ thanh toán ngay trên Instagram (doanh nghiệp trả một khoản phí nhỏ để xử lý thẻ tín dụng và kiểm soát lừa đảo).
Facebook cũng đang làm việc với những đối tác như Shopify, BigCommerce, WooCommerce, Channel Advisor, CedCommerce, Cafe24, Tienda Nube và Feedonomics để doanh nghiệp dễ dàng tích hợp vào hệ sinh thái công cụ mở mạnh mẽ, giúp họ quản lý khách hàng toàn diện hơn. Nhiều tính năng hữu ích đem lại lợi thế cạnh tranh khác cũng đang được Facebook tích cực hoàn thiện, trong đó có tính năng mua hàng trực tiếp (Live), sử dụng AI và thực tế ảo tăng cường (AR) để tăng trải nghiệm mua sắm. Về lâu dài, các nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn cũng có thể hưởng lợi từ Facebook Shops.
Tuy nhiên, Facebook không định sao nguyên bản mô hình “trải nghiệm từ đầu đến cuối” của Amazon, mà đơn thuần là xử lý phần thống kê phân tích và thanh toán thay cho doanh nghiệp, dù sau đó cũng sẽ thêm dịch vụ giao hàng và logistics. Zuckerberg đặc biệt nhấn mạnh lợi ích mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ, đối tượng được đánh giá là “nhịp đập của cộng đồng” Facebook. Theo báo cáo tháng Năm của Facebook và Small Business Roundtable, một phần ba các doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa, những công ty còn hoạt động phải đối mặt với thách thức tiền mặt dự trữ và khách hàng. Tuy vậy, những doanh nghiệp này vẫn lạc quan và có sức chống chịu tốt. Facebook đã tạo quỹ hỗ trợ 100 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ khắp thế giới và giúp các công ty này dễ dàng tiếp cận hỗ trợ và đào tạo thông qua Trung tâm Nguồn lực Kinh doanh (Business Resource Hub).
“Sao đến giờ mới thực hiện?”, Rich Greenfield của công ty tư vấn LightShed Partners nói về sự chậm chân của Facebook trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. “Rõ ràng bước kế tiếp của Facebook là làm thế nào tận dụng được làn sóng thương mại điện tử đang đem lại nhiều lần “like” cho Amazon”, ông nói. “Khách hàng không muốn đến trang web của bên thứ ba hoặc đến quầy thanh toán, họ muốn mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Họ muốn mua hàng đơn giản, dễ dàng”, Greenfield thêm vào.
Theo Debra Aho Williamson, một nhà phân tích của eMarketer, đây là dấu hiệu Facebook sắp khai thác các mối liên kết được hình thành giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp theo nghĩa xã hội – một điều mà Amazon hay Google vẫn chưa làm được.
Theo kế hoạch, Facebook sẽ tập trung triển khai Shops ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, nơi có sẵn nguồn lực để kiểm tra người bán hàng, khi các đối thủ như Amazon cũng đang đấu tranh chống lại hàng giả. “Đối với những nước không có sẵn hệ thống đánh giá người bán, việc triển khai sẽ khó khăn hơn”. Trong tương lai, Mark Zuckerberg hình dung hệ thống người bán có điểm uy tín và đánh giá sao.
Các nhà phân tích cũng suy đoán là Facebook có kế hoạch dài hạn là bắt chước các “siêu ứng dụng” như WeChat, cho phép người dùng vừa tương tác xã hội, vừa mua sắm và chuyển tiền ngay trên một nền tảng ứng dụng.
Cao Dung