Eximbank hướng tới mô hình mới tiêu biểu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Thi Thi

28/08/2024 12:41

Vụ án bà Trương Mỹ Lan thao túng ngân hàng SCB và bi kịch nghìn tỷ khiến cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá về việc sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, quy định sở hữu cổ phần tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 vừa qua là một sự tiến bộ và Eximbank đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó để vận dụng và bước “sang trang” mới.

Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 ngăn chặn thao túng ngân hàng

Đại án Vạn Thịnh Phát còn chưa ráo mực và câu chuyện bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng lại có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB. Điều đó nói lên việc sở hữu cổ phần chi phối của bà Trương Mỹ Lan tại SCB đã dẫn đến bị kịch nghìn tỷ và hậu quả đối với ngân hàng SCB, đến nay chưa thể khắc phục.

Bài học đau lòng đó đã buộc cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá lại việc sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn tại các tổ chức tín dụng và cần phải có những quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 được sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ 1/7 quy định: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn của một TCTD. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.

Đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ so với quy định mới, kể từ ngày Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu cổ phần quy định mới được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhận định về quy định này, nhiều chuyên gia đánh giá việc giảm tỉ lệ sở hữu vốn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc cơ cấu tổ chức, quản trị nội bộ của các TCTD. Tuy nhiên, quy định mới này sẽ góp phần giải quyết hạn chế việc sở hữu chéo, thao túng giữa các TCTD và đồng thời ngăn chặn hành vi lũng đoạn thị trường tài chính.

Sau khi Luật các TCTD năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, hàng loạt ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Theo đó, các doanh nghiệp là cổ đông lớn sở hữu từ 10% cổ phần tại ngân hàng cũng minh bạch và rõ ràng hơn.

Cùng với Luật các TCTD 2024 có hiệu lực, Eximbank cũng có sự chuyển biến về cơ cấu cổ đông. Theo đó, bên cạnh những cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% thì nhiều thương hiệu tiếng tăm đã xuất hiện như Tập đoàn Bamboo Capital, Tập đoàn Gelex là những cổ đông lớn với tỷ lệ chi phối từ 10% trở lên và họ bắt tay nhau tái lập lại vị thế của Eximbank trên thị trường.

Mô hình hoạt động của ngân hàng là đại chúng và Eximbank có thể coi là “một mô hình sở hữu điển hình” của Luật Tổ chức tín dụng 2024, đa cổ đông và cùng nhau xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh.

z5774745971624-a2f848994995e76a6511aa60ae6ee043-1724823610.jpg
Eximbank hướng tới mô hình mới tiêu biểu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Sức mạnh của đa cổ đông và cơ hội tái định vị của Eximbank

Quy định về tỷ lệ sở hữu Luật các TCTD năm 2024 đã phần nào tác động đến bộ máy hoạt động quản trị của các TCTD. Thay vì trước đây là tiếng nói, quyền lực của các cổ đông lớn, thì nay là sự góp mặt của nhiều nhóm cổ đông và đòi hỏi sự gắn kết trong bộ máy lãnh đạo chính là “mắt xích” để các TCTD tìm ra đường hướng, kế hoạch kinh doanh, phát triển trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tài chính hiện nay.

Thông qua Luật TCTD 2024, nhà điều hành muốn đưa ra thông điệp về tính đại chúng của hoạt động ngân hàng và ngăn ngừa sự thâu tóm hoạt động ngân hàng của nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là quyền cấp tín dụng. Điều đó có nghĩa quyền lực của các cổ đông lớn sẽ giảm bớt, TCTD từng bước nâng cao nền tảng quản trị vững chắc và từ đó hạn chế việc thao túng trong hoạt động ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những điều mang lại sức hấp dẫn nhất đối với các ông chủ doanh nghiệp khi chi phối hoạt động ngân hàng đó là thao túng quyền cấp tín dụng: “Đây là điều rất hấp dẫn với các ông chủ doanh nghiệp. Bởi họ là người đi vay ngân hàng nhiều nhất, nên họ rất hiểu ý nghĩa của việc chi phối, thao túng được quyền cấp tín dụng. Khi chi phối được họ sẽ cho vay các doanh nghiệp sân sau của mình và đến lúc rủi ro thì ngân hàng mới là người phải gánh chịu hậu quả đó. Thực tế, đây là miếng bánh mỳ có bơ nhưng nhiều cạm bẫy”, đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đã quy định tỷ lệ sở hữu ngân hàng ở mức thấp (trừ ngân hàng nhà nước), dưới 5%. Nhiều ngân hàng người dân còn không biết ông chủ là ai. Ngay cả Trung Quốc cũng vậy, hơn 100 ngân hàng tư nhân cũng chỉ có mức sở hữu rất thấp và hoạt động đại chúng, mục đích phục vụ người dân doanh nghiệp:

“Đến khi nào người dân không biết ông chủ ngân hàng là ai thì lúc đó hoạt động ngân hàng mới thực sự đại chúng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Như vậy, sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Eximbank đang cho thấy sự trở lại hành trình tái lập vị thế khi có sự hậu thuẫn đáng kể từ những cổ đông là các tập đoàn lớn như Bamboo Capital hay Tập đoàn Gelex.

Tuy vậy, sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn cũng đặt ra thách thức cho Eximbank trong việc điều chỉnh chiến lược, cấu trúc vốn, tăng hoặc huy động vốn từ các nguồn khác nhau, hoạch định lại khả năng thực hiện các kế hoạch đầu tư và phát triển dự án mới để duy trì và tăng cường sự ổn định trong hoạt động.

Để làm được điều này, đòi hỏi các cổ đông cần phải hài hoà, cùng bắt tay nhau để xây dựng Eximbank trở lại đường đua và đảm bảo tuân thủ các quy định, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro vững chắc để ngăn chặn các vi phạm, không có nhóm cổ đông chi phối, giải quyết được tiềm ẩn rủi ro, lũng đoạn bởi một nhóm lợi ích.

Nếu làm được điều này, Eximbank sẽ là mô hình mới tiêu biểu và ở đó các cổ đông là doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính sẽ trở thành lợi thế của ngân hàng trong quá trình trở lại đường đua.

Thi Thi