Dự kiến cấp phép xây dựng cho siêu dự án lấn biển Cần Giờ vào ngày 30/4/2025

Quang Khải

18/08/2023 05:22

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Điểm đáng chú ý, TP.HCM chốt thời gian dự kiến cấp phép xây dựng đối với siêu dự án lấn biển ở huyện Cần Giờ.

Theo đó, siêu dự án lấn biển ở huyện Cần Giờ sẽ nằm tại xã Long Hoà và thị trấn Cần Thạnh. TP.HCM dự kiến thời điểm mà dự án được cấp giấy phép xây dựng là ngày 30/4/2025, sau đó thì tiến hành đầu tư theo quy định.

Trước đó, vào tháng 5/2023, UBND huyện Cần Giờ đã công bố hồ sơ dự thảo điều chỉnh cục bộ Đồ an quy hoạch phần khu tỷ lệ 1/500.

Siêu dự án lấn biển ở huyện Cần Giờ là khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, hội nghị, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, khách sạn…Siêu dự án này có quy mô toàn khu là 2.870 ha.

Đối với dân số, siêu dự án này có tối đa 228.506 người. Quy mô khách du lịch là 8,9 triệu lượt/năm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516 tỷ đồng.

Nói về việc phát triển Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại một hội thảo: “Thành phố quyết tâm xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững. Thành phố cam kết đồng hành với những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu ấy".

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với TP.HCM mà cả vùng và quốc gia. Nói cách khác, Cần Giờ là mặt tiền biển, cửa ngõ rất quan trọng của TP.HCM nối ra thế giới.

phoi-canh-du-an-lan-bien-can-gio-vingroup-1692310827.jpeg
Phối cảnh của một dự án lần biển ở huyện Cần Giờ.

Dưới góc nhìn chuyên gia, Chuyên gia tư vấn quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, muốn phát triển Cần Giờ phải nhìn tổng thể bối cảnh vùng.

Trong đó, phải nhìn tổng thể gắn kết kinh tế, cơ hội của địa phương này với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Dũng nhận định việc kết nối hạ tầng giữa Cần Giờ và các tỉnh này rất quan trọng. Nói về định hướng cụ thể, ông Dũng cho hay xưa nay rất nhiều dự án TP.HCM chạy theo các nhà đầu tư.

Việc này tốt ở góc độ hỗ trợ cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, nhưng sự chủ động của chính quyền đưa ra định hướng phát triển còn hạn chế.

Đối với Cần Giờ, để khai thác hệ sinh thái kinh tế biển, ông Dũng cho rằng phải nhìn được toàn bộ giá trị của nó, từ đó quy hoạch bài bản, phân khu chức năng rõ ràng để quản lý, khai thác.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay, ông tâm đắc với nhiều ý tưởng góp ý cho phát triển Cần Giờ. Tuy nhiên, việc quan trọng làm sao hiện thực hóa ý tưởng.

Theo ông Lịch, trong quy hoạch phát triển trung tâm kinh tế biển có 6 nhóm ngành lớn. Với vị trí và đặc điểm tự nhiên, Cần Giờ chỉ xác định 3 nhóm ngành làm trụ cột chính phát triển đó là du lịch, kinh tế hàng hải gắn với cảng và năng lượng tái tạo. Riêng những ngành khác như phát triển khu công nghiệp ven biển, dầu khí… Cần Giờ không làm được.

Ông Lịch đề nghị phải chọn lọc các ý tưởng phát triển Cần Giờ để tích hợp vào quy hoạch chung và các quy hoạch thành phố. Cùng với đó, ông Lịch cũng đề xuất làm nhanh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, xây dựng khu hậu cần cảng để nơi đây trở thành cửa ngõ kết nối Việt Nam với quốc tế.

Ngoài ra, áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) tại Cần Giờ, tạo hình mẫu chuẩn cho cả nước. Từ đó, tập trung phát triển giao thông công cộng và giao thông xanh, giảm khí thải.

Quang Khải