Doanh thu điện toán đám mây Google tăng trên 50%

thunguyen

05/02/2020 07:39

Lần đầu tiên cỗ máy tìm kiếm lớn nhất công bố doanh thu điện toán đám mây, đạt gần 9 tỉ USD năm 2019.

Bên trong trung tâm dữ liệu của Google (Ảnh: Google)
Bên trong trung tâm dữ liệu của Google (Ảnh: Google)

Điện toán đám mây là lĩnh vực kinh doanh mới mà Google đang chú trọng phát triển, thông qua Google Cloud Platform. Giữa năm 2019, Pichai, CEO Google nói với CNBC cho biết lĩnh vực điện toán đám mây sẽ mang lại khoảng 8 tỉ USD doanh thu mỗi năm cho Google và sẽ tăng lên gấp ba trong những năm tới, nhờ nỗ lực bán hàng.

Năm 2018, số nhân viên của Google tăng thêm gần 4.400 người, chủ yếu là bộ phận kỹ thuật và bán hàng cho dịch vụ điện toán đám mây, bà Ruth Porat, Giám đốc tài chính Google nói tại cuộc họp công bố kết quả kinh doanh năm 2018.

Điện toán đám mây cung cấp hàng loạt dịch vụ ngày càng phổ biến cho các cá nhân và doanh nghiệp. Với cá nhân, dịch vụ Google Drive với chức năng lưu trữ và chỉnh sửa tài liệu online là hình thức phổ biến nhất, và được cung cấp miễn phí cho người dùng. Tuy nhiên khi cần nâng cao dung lượng, người dùng phải trả cho Google một khoản phí hàng năm.

Các dịch vụ Google đang cung cấp cho doanh nghiệp (Ảnh: Google)
Các dịch vụ Google đang cung cấp cho doanh nghiệp (Ảnh: Google)

Với doanh nghiệp, điện toán đám mây càng có nhiều ứng dụng, không chỉ là lưu trữ tài liệu, thông tin. Với các ứng dụng đang sử dụng bản đồ trực tiếp, ví dụ gọi xe, gọi đồ ăn, thông thường nhà cung cấp sử dụng bản đồ Google Maps và trả phí cho Google dựa vào lưu lượng thông tin sử dụng. Các ứng dụng kế toán, tài chính tại doanh nghiệp, thay vì sử dụng offline kèm máy chủ tính toán tại chỗ, các doanh nghiệp thường sử dụng trực tiếp trên môi trường internet, thông qua ứng dụng điện toán đám mây được các doanh nghiệp công nghệ cung cấp.

Dung lượng lưu trữ, tốc độ xử lý, khả năng truyền tín hiệu và điện năng dùng cho lưu trữ, xử lý và truyền tín hiệu là tài nguyên để vận hành các hệ thống phần mềm máy tính giải quyết công việc, được coi như dầu mỏ vận hành nền kinh tế. Tuy nhiên hệ thống này về cơ bản thường bị lãng phí do phải duy trì tài nguyên sẵn sàng để đảm bảo hệ thống phục vụ ở mức hoạt động cao nhất trong khi hầu hết thời gian hệ thống lại chỉ cần phục vụ ở mức thấp hơn nhiều.

Nếu các hệ thống có thể chia sẻ phần tài nguyên này để sử dụng chung thì về nguyên tắc phần lãng phí sẽ ít đi, đó là công việc chính của các bộ xử lý điện toán đám mây. Thay vì đầu tư máy chủ riêng, giờ đây các phần mềm nghiệp vụ có thể được thuê quyền sử dụng, truy cập qua internet.

Google là một trong ba nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện toán đám mây, sau Amazon, Microsoft, theo đánh giá của trang tin công nghệ ZDNet.com. Năm 2019, Amazon đạt 35 tỉ USD doanh thu mảng điện toán đám mây, tăng 36% so với năm 2018. Tương tự, năm tài chính 2019 (kết thúc 30.6.2019), Microsoft đạt gần 39 tỉ USD doanh thu điện toán đám mây, tăng 21% so với năm 2018.

Năm 2019, tổng doanh thu của Google đạt 161 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2018. Quảng cáo vẫn là mảng kinh doanh chính của Google, nhưng tỉ trọng đã giảm xuống còn gần 84%, so với 92% năm 2013. Điện toán đám mây mới chỉ chiếm 5,6% doanh thu của Google, nhưng đang là mảng tăng trưởng mạnh mẽ nhất của công ty.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Doanh thu điện toán đám mây Google tăng trên 50%" tại chuyên mục Công nghệ.