Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng

Phạm Đức

13/08/2023 09:48

Khó tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất vay cao khiến doanh nghiệp phát triển dự án, người mua nhà gặp khó khăn dẫn đến thị trường đóng băng giao dịch, đó là những vấn đề mà các ông lớn bất động sản đang gặp phải.

Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị tắc các nguồn vốn khác. Khi doanh nghiệp bị tắc nguồn vốn trái phiếu hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng thì việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng như là "chiếc phao cứu sinh" trong lúc này.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết, hiện nay việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đang rất khó khăn, bởi kể từ nửa năm ngoái đến nay, các ngân hàng đã áp dụng những điều kiện vay ngặt nghèo hơn, tài sản đảm bảo nhiều hơn, thời gian giải ngân lâu hơn. Khiến doanh nghiệp bất động sản đã khó tiếp cận vốn ngân hàng nay lại càng thêm khó.  

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM), hồ sơ thủ tục vay vốn hiện nay phức tạp hơn nhiều so với trước. Nếu như trước đây, trước khi triển khai dự án thì rất nhanh chóng sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Thế nhưng hiện nay, các ngân hàng thường xuyên yêu cầu báo cáo tài chính và kế hoạch kinh doanh trong khoảng 6-12 tháng để làm hồ sơ kinh doanh (trước kia là 3-6 tháng). Một số ngành nghề kinh doanh bị coi là ngành biến động cao không dễ dàng được vay vốn, đặc biệt là ngành bất động sản. Ngoài ra, yêu cầu về số lượng tài sản đảm bảo cũng khó khăn hơn trước. 

“So với trước đây, số tiền được giải ngân cũng giảm khá nhiều, nguyên nhân là một số ngân hàng cho vay dựa theo tỷ lệ doanh thu. Xong hiện nay, do tình tính thị trường trầm lắng nên nhiều doanh nghiệp doanh thu quý 1 và quý 2/2023 sụt giảm mạnh thì lại càng khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng”, vị này cho biết. 

kinh-nghiem-mua-chung-cu-01-1691894641.jpeg
Nếu những điểm nghẽn như tín dụng, pháp lý dự án, lãi suất ngân hàng… được giải quyết, người mua người bán gặp được nhau sẽ giúp thị trường sôi động hơn.

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group cho biết, lãi suất cho vay bất động sản đã hạ nhiệt từ cuối tháng 6 vừa qua. Một số ngân hàng thuộc nhóm Big4 đang có lãi suất cho vay ưu đãi trong năm đầu là dưới 10%/năm, có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Thắng dù lãi suất có giảm nhưng vẫn đang ở mức khá cao, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Các đơn vị này có mức lãi suất cho vay trong khoảng 12-14%/năm. Bên cạnh đó, việc thẩm định hồ sơ vay và khả năng chi trả tiền gốc lãi của các ngân hàng thời gian gần đây ngày càng gắt gao. Ngân hàng xét duyệt hồ sơ dễ thì lãi suất lại ở mức cao, lên đến 14-15%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thị trường này vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm, thậm chí mất thanh khoản do các nguồn vốn khác bị tắc. Vì vậy, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là "chiếc phao cứu sinh" đối với doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định, tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Trong bối cảnh này, dù lãi suất đang trên đà giảm nhưng việc Thông tư 06 được ban hành sẽ dẫn đến vấn đề siết khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản, thậm chí có thể làm lu mờ tác động của việc hạ lãi suất cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản.

Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06. “Vẫn biết mục tiêu của Thông tư 06 là nhằm kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, giảm rủi ro về xử lý tài sản bảo đảm. Nhưng thông tư này lại có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa sát thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật, dựng thêm "rào chắn", làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền cho người dân Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, bổ sung một số quy định của thông tư”, Chủ tịch HoREA cho hay.

Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn, trái phiếu…

hlp-1691894312.jpeg
Trước khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, vai trò quan trọng của đòn bẩy tín dụng bất động sản rất rõ ràng giúp thị trường phục hồi và phát triển.

Tại thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay; rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà; có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Phạm Đức