Dịch bệnh phủ bóng lên các cửa hàng thời trang

dang.pham

10/03/2020 20:38

Bệnh dịch không thực sự là nguyên nhân của những cửa hàng nối đuôi nhau đóng cửa. Nhưng cuộc khủng hoảng đang diễn ra cho thấy hiện thực về một ngành yếu ớt và dễ bị tổn thương.

Bệnh dịch phủ bóng lên ngành bán lẻ thời trang đúng vào thời điểm doanh số ngành thời trang xuống thấp của năm và là mùa “săn” mặt bằng. Trên một đoạn ngắn phố thời trang Nguyễn Trãi quận 1, có tới 10 mặt bằng đăng thông tin cho thuê lại. Trên những khúc phố thời trang khác như Lý Tự Trọng, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8, cũng dễ bắt gặp những biển cho thuê lại mặt bằng và trả mặt bằng như vậy.

Những cửa hàng đóng cửa đồng loạt hiện tại dễ làm người ta cảm giác bi quan và liên tưởng đến tác động của bệnh dịch thời điểm hiện tại. 

Tuy nhiên nguyên nhân có thể không chỉ nằm ở bệnh dịch. Đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp bán lẻ thời trang dường như đang đóng cửa nhiều hơn so với cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thời điểm hiện tại, ngay cả khi so với số cửa hàng ăn uống đóng cửa trên đường Phan Xích Long - con phố của các cửa hàng ăn uống. Mặc dù theo logic, những cửa hàng ăn uống với mô hình kinh doanh dựa vào việc duy trì lượng khách hàng lớn đến cửa hàng mới là những đơn vị chịu tổn thương đầu tiên do doanh thu tụt giảm tức thì.

Ngành thời trang, so với đó, ảnh hưởng từ sự tụt giảm lượng khách sẽ đến chậm hơn do thời gian khách lưu lại thường ngắn hơn và chưa kể cửa hàng đã quen với những trải nghiệm online. Tác động mạnh mẽ thực sự vào ngành thời trang sẽ đến sau đó, khi nỗi lo dịch bệnh biến thành tâm lý bi quan với nền kinh tế và nỗi lo suy thoái sẽ thắt chặt chi tiêu cho quần áo và xa xỉ phẩm của những bà nội trợ. 

Có thể nhìn thấy hiện tượng đóng của các cửa hàng thời trang đã diễn ra trước đó, và bệnh dịch chỉ góp thêm chút tâm lý tiêu cực. Giờ đây rất khó tìm được một cửa hiệu tồn tại quá 10 năm trên một vị trí mặt bằng  Ngành bán lẻ thời trang của Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp cơ thể yếu ớt. .

Giá mặt bằng bán lẻ đã bị đẩy lên quá cao đang bào mỏng lợi nhuận của doanh nghiệp. Thêm vào đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế làm những doanh nghiệp bán lẻ trở nên dễ tổn thương khi thị trường có biến cố. Hơn thế nữa với ngành thời trang, thị hiếu người dùng thay đổi quá nhanh do tác động của internet và nhất là các loại mạng xã hội làm doanh nghiệp xoay sở ứng phó khá vất vả. Canifa - một thương hiệu thời trang Việt Nam cũng đã buộc phải đóng cửa cửa hàng của mình trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1.

Trước khi Covid-19 bùng phát, ông Mai Trường Giang, sáng lập và quản lý chuỗi bánh kem Chewy Junior cũng chia sẻ, với mức độ cạnh tranh như ở thời điểm hiện tại, chỉ có những công ty có tiềm lực về vốn, do các quỹ đầu tư bơm tiền mới có thể trụ được lâu trên thị trường. Kinh doanh bán lẻ mặt phố từ lâu đã bùng nổ cuộc đua của các chuỗi.

Bệnh dịch, giống như mọi cuộc khủng hoảng, khi bùng nổ, sẽ làm sụp đổ trước tiên là những doanh nghiệp trong nhóm ốm yếu nhất và thiếu sức đề kháng. Những cửa hiệu đóng cửa và những tấm biển rao sang lại mặt bằng đang cho thấy thực tại của một ngành với rất nhiều doanh nghiệp trong nhóm đó.

Dâng Phạm

dang.pham