ĐBSCL được Hà Lan hỗ trợ phát triển bền vững, tư nhân được quan tâm nhiều hơn

Tường Thụy

09/08/2021 10:03

Chương trình hành động 2021 của Nền tảng kinh doanh Hà Lan - Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (Netherlands – Vietnam Business Platform for the Mekong River Delta) vừa được Chính phủ Hà Lan khởi động. Đặc biệt của chương trình đa lĩnh vực này là vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác.

Cũng vì lý do đó, Đại sứ quán Hà Lan đã ký kết Chương trình hành động 2021 này với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.

Đại sứ Hà Lan, Elsbeth Akkerman, cho biết đây Chương trình sẽ thực hiện những hợp tác cụ thể và mang tính thực tiễn như Hà Lan cung cấp những giải pháp cho vấn đề xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán tại ĐBSCL thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước, quản lý bờ biển…

hinh-ha-lanv4-1628477731.jpg
Qua online, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và VCCI Cần Thơ vừa ký kết Chương trình hành động 2021. Ảnh: Đại sứ quán Hà Lan

Phía Hà Lan sẽ cử chuyên gia phối hợp trong các hoạt động với mục đích thích ứng biến đổi khí hậu như hỗ trợ tiếp cận các chương trình đào tạo, quỹ đầu tư của Hà Lan cho Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng vùng ĐBSCL do VCCI Cần Thơ thành lập. Đồng thời hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác với nhau như: nông nghiệp, tiếp vận hậu cần, giao thông vận tải…

Khu vực tư nhân được ưu tiên

Đại sứ Akkerman nhấn mạnh chuyển đổi thực sự phải được thực hiện bởi khu vực tư nhân dựa trên chứng cứ khoa học và được chính phủ tạo điều kiện. “Một ngành nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước và bảo vệ bờ biển hiệu quả, cơ sở hạ tầng cho kinh tế ở mức đầy đủ là những yếu tố cần thiết để Đồng bằng Công Cửu Long có thể phục hồi và phát triển kinh tế cho tương lai. Khu vực tư nhân của Hà Lan sẵn sàng hợp tác để tăng giá trị trong nông nghiệp bền vững, logistics nông nghiệp, đường thủy nội địa và các giải pháp kỹ thuật cho thủy nông. Tôi tin rằng Nền tảng kinh doanh này sẽ là cơ sở vững chắc để thúc đẩy ĐBSCL phát triển”, Đại sứ Akkerman cho biết.

Vì sao ĐBSCL là nơi thực hiện chương trình?

ĐBSCL với khoảng 12% diện tích cả nước nhờ hệ thống hai con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu nên là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, những tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, thời tiết cực đoan, không còn mùa nước nổi hằng năm đã khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.

han-dbscl-dan-viet-1628477783.jpeg
Tuyến kênh ở xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, bị khô cạn (chụp tháng 3/2020). Ảnh: Dân Việt.

Năm 2014, Hà Lan trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Trong quan hệ kinh tế, đây là đối tác lớn thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) của Việt Nam, và cũng một trong những nước EU có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Hà Lan đã ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong quá trình đàm phán và thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Hai bên cũng là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt, thực phẩm và hệ sinh thái, cấp nước, xử lý nước thải và quản lý nước… từ năm 2010.

Tường Thụy