Cổ phiếu Tập đoàn Đức Long Gia Lai của ông Bùi Pháp bị cắt “Margin” trong quý 4, vậy hoạt động của doanh nghiệp này ra sao?

Gia Bình

14/10/2022 10:40

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố danh sách 62 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2022.

Đáng chú ý trong nhóm 62 doanh nghiệp bị cắt “Margin” lần này phải kể đến Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG). Tập đoàn này do ông Bùi Pháp làm Chủ tịch HĐQT. Nguyên nhân mà cổ phiếu doanh nghiệp của ông Bùi Pháp bị cắt “Margin” là nằm vào diện bị cảnh báo.

Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 375,39 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lên tới 309,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,92 tỷ đồng, tức giảm 320,14 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 22,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 13,55 tỷ đồng lên 73,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 20,7%, tương ứng tăng thêm 12,29 tỷ đồng lên 71,71 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 14,7%, tương ứng tăng thêm 18,63 tỷ đồng lên 145,24 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận 302,29 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 28,78 tỷ đồng, tức tăng thêm 331,07 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

310939661-1059918031373213-7995145317054831597-n-1665564129.jpeg
Như vậy, cổ phiếu của Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục thuộc diện bị cảnh báo.

Xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 373,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 37,55 tỷ đồng, tức giảm 336,15 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Như vậy, trong quý II, lợi nhuận cốt lõi âm, Công ty bớt lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tới 71,71 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu doanh thu, trong quý II, doanh thu chủ yếu ghi nhận 240,3 tỷ đồng từ bán linh kiện điện tử, chiếm 64% tổng doanh thu; doanh thu dịch vụ trạm thu phí BOT ghi nhận 105,6 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng doanh thu và các lĩnh vực khác.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 723,33 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 297,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,4 tỷ đồng, tức giảm tới 320,91 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 307,2 tỷ đồng, Công ty nâng lỗ lũy kế tới 30/6/2022 lên lỗ 1.157,6 tỷ đồng (đầu năm lỗ 850,4 tỷ đồng), chiếm gần 39% vốn điều lệ.

Trước đó, vào tháng 9/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo sẽ xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tài sản xử lý gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh. Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu là hơn 48,28 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank.

Bên cạnh đó, người mua và bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản.

Năm 2021, tính đến cuối năm, công ty của ông Bùi Pháp cũng ghi nhận khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn của Tập đoàn là 400,37 tỷ đồng. Công ty có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.767 tỷ đồng.

Dù nợ vay lớn, nhưng công ty cũng cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2.410 tỷ đồng, các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3. Bên cạnh đó, trong báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2021 trước đó, kiểm toán đã đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

Gia Bình