Bị ngân hàng siết nợ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo sẽ xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG) ngay trong tháng 9/2022.
Tài sản xử lý gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh. Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu là hơn 48,28 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank.
Bên cạnh đó, người mua và bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản.
VietinBank cũng cho hay, đối tác quan tâm có thể gửi văn bản đề nghị mua tài sản (nêu mức giá và thời gian thanh toán cụ thể) trong thời gian xử lý. Ngân hàng sẽ phối hợp với bên có tài sản để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi và trả giá cao nhất.
Đức Long Gia Lai là một tập đoàn đa ngành lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, hạ tầng giao thông, bất động sản, năng lượng...
Tập đoàn này có một công ty con là CTCP Bến xe liên tỉnh phía Nam Thành phố Đà Nẵng (trước là CTCP Đức Long Đà Nẵng) với tỷ lệ góp vốn đến 100% nhưng tỷ lệ biểu quyết chỉ ở mức 85%.
Kinh doanh tụt dốc
Vào tháng 4/2022, cổ phiếu của Đức Long Gia Lai chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Lý do là lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ năm 2021 là 16,67 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là âm 850,36 tỷ đồng, thuộc diện bị cảnh báo theo quy định.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Đức Long Gia Lai cho biết, tính đến cuối năm 2021, công ty ghi nhận khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn của Tập đoàn là 400,37 tỷ đồng. Công ty có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.767 tỷ đồng.
Dù nợ vay lớn, nhưng công ty cũng cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2.410 tỷ đồng, các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2021 trước đó, kiểm toán đã đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Các vấn đề mà kiểm toán nêu ra trong báo cáo đó vẫn chưa được khắc phục trong Báo cáo tài chính năm 2021.
Trong năm 2021, Đức Long Gia Lai cũng tiến hành thoái vốn ở một số công ty con hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể, Đức Long Gia Lai đã chuyển nhượng toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu FGL của Công ty CP Cà phê Gia Lai và 4,6 triệu cổ phiếu BHG của Công ty CP Chè Biển Hồ mà Tập đoàn này đang sở hữu.
Vào thời điểm này, cổ phiếu FGL và BHG đều trong tình trạng kém thanh khoản trên thị trường. Tình hình kinh doanh của Công ty CP Chè Biển Hồ sụt giảm trong năm 2020 khi chỉ đem về 631 triệu đồng lãi ròng, giảm 65% so với năm 2019. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Cà phê Gia Lai còn tệ hơn khi thua lỗ liên tục từ năm 2018 đến nay.
Trước đó, vào tháng 9/2021, HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thông qua việc thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con khác là Công ty CP Năng lượng Tân Thượng và Công ty CP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
Báo cáo tài chính quý II/2022, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 375,39 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lên tới 309,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,92 tỷ đồng, tức giảm 320,14 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 22,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 13,55 tỷ đồng lên 73,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 20,7%, tương ứng tăng thêm 12,29 tỷ đồng lên 71,71 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 14,7%, tương ứng tăng thêm 18,63 tỷ đồng lên 145,24 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận 302,29 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 28,78 tỷ đồng, tức tăng thêm 331,07 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 373,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 37,55 tỷ đồng, tức giảm 336,15 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Như vậy, trong quý II, lợi nhuận cốt lõi âm, Công ty bớt lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tới 71,71 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu doanh thu, trong quý II, doanh thu chủ yếu ghi nhận 240,3 tỷ đồng từ bán linh kiện điện tử, chiếm 64% tổng doanh thu; doanh thu dịch vụ trạm thu phí BOT ghi nhận 105,6 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng doanh thu và các lĩnh vực khác.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 723,33 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 297,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,4 tỷ đồng, tức giảm tới 320,91 tỷ đồng.
Với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 307,2 tỷ đồng, Công ty nâng lỗ lũy kế tới 30/6/2022 lên lỗ 1.157,6 tỷ đồng (đầu năm lỗ 850,4 tỷ đồng), chiếm gần 39% vốn điều lệ.