Thị trường đã vượt qua phiên thử thách khi khối lượng hàng khổng lồ về đến tài khoản. Dù có những thời điểm rung lắc, nhưng nhìn chung lực cầu lấn át lực cung. Vn-index đóng cửa tăng 11 điểm, lên mốc kỷ lục mới 1467. Với đà hiện nay, khả năng cao sẽ chạm 1500 ngay trong tháng 11 này. Thanh khoản vẫn giữ vững ở mức rất tốt, riêng sàn HoSE gần 30.000 tỷ, khối lượng đạt 1 tỷ cổ phiếu. Một khi thanh khoản ổn định ở mức cao, dòng CK rõ ràng sẽ được hưởng lợi. Tiền vẫn đang có dấu hiệu tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu Midcap và Penny. Sự cân bằng sẽ sớm được lấy lại khi Bluechips sẽ quay trở lại.
Trong sáng hôm nay chúng ta cùng nhau bàn luận về chủ đề “Cổ phiếu ngân hàng có còn giữ vị thế vua”. Ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào. Không chỉ là trái tim bơm máu lưu thông, mà ngân hàng còn được mệnh danh là vua bởi vốn lớn, cho nên ảnh hưởng mạnh vào chỉ số Index. Tuy nhiên, thời gian gần đây vị vua này đang có dấu hiệu bị thị trường ghẻ lạnh, dòng tiền xa lánh. Vậy liệu rằng trong quý 4 dòng bank còn có hy vọng gì không, có nên tiếp tục nắm giữ hay đổi dòng khác.
Thứ nhất: trong năm 2021 nhóm ngân hàng là điểm sáng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các nhà băng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1, quý 2 và kể cả trong quý 3 cũng khá tốt. Có nhiều ý kiến nghi ngại rằng trong quý 4 năm nay và sang năm sau, khi dịch ngấm dần, áp lực trích lập dự phòng và rủi ro nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của khối này. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi đây chỉ là suy diễn chưa đủ cở sở chắc chắn. Hiện có nhiều ngân hàng hoạt động rất tốt, có các chỉ số tài chính tích cực, có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao, thể hiện rằng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ), nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã dự tính được trước và lợi nhuận quý 4 năm nay hay quý 1 sang năm không bị ảnh hưởng mạnh.
Thứ hai: về vùng giá, hiện nay P/E của cả nhóm ngân hàng là khoảng 20, P/B dưới 2,2. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngân hàng rất cao. Những ngân hàng hàng đầu đang được giao dịch với P/E dưới 15. ROE của ngành ngân hàng hiện nay khoảng 18% và những ngân hàng hàng đầu có thể lên đến 25%, đây là mức mà nhiều ngân hàng khác trong khu vực, thế giới cũng khó có được. Xét về định giá, vùng giá hiện nay là vùng rất hấp dẫn để mua vào và giữ dòng cổ phiếu này.
Thứ ba: có những câu chuyện riêng của từng khối: ngân hàng vốn nhà nước, ngân hàng tư nhân và thậm chí là câu chuyện riêng của từng mã. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lo lắng các ngân hàng đã tăng vốn mạnh, phát hành thêm rất nhiều cổ phiếu khiến nhà đầu tư không kịp hấp thụ. Tuy nhiên, cần hiểu rõ, mặc dù họ phát hành thêm nhưng bản chất là chuyển vốn từ tay phải sang tay trái, chuyển từ thặng dư qua. Họ hoạt động tốt và có thặng dư để chia thưởng, điều này làm cho lượng cung cổ phiếu tăng lên. Trong ngắn hạn có thể khiến thị trường không hấp thụ kịp, nhưng trong dài hạn thì các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận vào vấn đề chính yếu hơn, về giá trị, định giá, tiềm năng, thanh khoản.
Thứ tư: trong quý 4 này nhiều ngân hàng khả năng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng. Đây là nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng. Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhưng họ có thể bù lại bằng việc tăng quy mô cho vay. Do đó, việc nới room này sẽ giúp doanh thu của nhiều ngân hàng tăng lên.
Nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kỹ càng, không nên mua theo dòng cổ phiếu chung chung. Khi nước nổi thì bèo cũng nổi, nhưng việc ăn theo đó không chắc chắn và bền vững. Khi có nhịp điều chỉnh, rung lắc thì những cổ phiếu không có nền tảng tốt sẽ điều chỉnh rất sâu. Nhà đầu tư nên tìm hiểu những ngân hàng có hoạt động ổn định và có vị thế trong ngành. Ngoài ra, cần xem xét tham vọng phát triển của các ngân hàng, tầm nhìn thị phần, vốn của họ,… Bên cạnh đó, một số ngân hàng có "game" riêng như thâu tóm cổ phần, đổi chủ, hoặc một số ngân hàng đã xử lý, thanh lý được tài sản, nợ xấu tồn đọng trước đây cũng có thể tạo điểm nhấn tăng giá.
Khi Index vượt 1500, với vùng giá hiện tại dòng ngân hàng đang trở lên quá rẻ. Sẽ đến lúc những vị vua hùng mạnh một thời như TCB, MBB, ACB, CTG, TPB, HDB, STB, VCB, cất tiếng.
“Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa lại quét lá đa”
Trong giai đoạn một vài năm tới, không thể có chuyện “dân nổi can qua”. Hãy kiên nhẫn và tìm cơ hội tiếp tục nắm giữ dòng cổ phiếu vua này.