Cơ hội cho quyền lực của chính phủ

thunguyen

23/03/2020 11:50

Bài viết của nhà kinh tế học người Mỹ, gốc Italia Mariana Mazzucato đăng trên The Guardian. Tiêu đề do Tạp chí Nhà Quản Lý tạm đặt

Chính quyền lần đầu tiên có ưu thế nổi trội. Họ phải nắm bắt cơ hội của thời khắc đặc biệt này!

Thế giới đang trong tình trạng nguy kịch. Đại dịch COVID-19 đang lan nhanh khắp các quốc gia, với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy kể từ khi dịch cúm Tây Ban Nha tàn phá vào năm 1918. Trừ khi một hành động mang tính hợp tác toàn cầu được phối hợp thực hiện để ngăn chặn nó, sự lây lan sẽ dễ trở thành một thảm hoạ kinh tế và tài chính.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này đòi hỏi các chính phủ phải nhanh chóng can thiệp. Và họ đang thực hiện điều đó. Các quốc gia đang bơm các gói kích thích nền kinh tế trong khi cố gắng hết sức để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương và giúp tạo ra các liệu pháp và vắc-xin mới. Quy mô và cường độ của những can thiệp này gợi nhớ đến một cuộc xung đột quân sự - đây là một cuộc chiến chống lại sự lây lan của virus lẫn sự sụp đổ kinh tế.

Tuy nhiên, có một vấn đề khá nghiêm trọng cần được thảo luận. Là sự can thiệp đòi hỏi một khung cấu trúc rất khác với khung mà chính phủ đã chọn. Kể từ những năm 1980, vai trò của chính phủ càng lúc càng mờ nhạt, nhường chỗ cho doanh nghiệp lãnh đạo và tạo ra sự giàu có, và chỉ can thiệp cho mục đích sửa chữa các vấn đề khi chúng phát sinh. Kết quả là các chính phủ không phải lúc nào cũng được chuẩn bị và trang bị đúng cách để đối phó với các cuộc khủng hoảng như Covid-19 hoặc tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Bằng cách giả định rằng các chính phủ phải đợi cho đến khi xảy ra một cú sốc hệ thống lớn trước khi họ quyết định hành động, không có đủ sự chuẩn bị được thực hiện.

Trong quá trình này, các tổ chức quan trọng cung cấp dịch vụ công cộng và hàng hóa công cộng - chẳng hạn như NHS ở Anh (Tổ chức dịch vụ sức khoẻ cộng đồng), đã cắt giảm gói kinh phí dành cho công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng với tổng trị giá 1 tỷ bảng kể từ năm 2015.

Một đường phố trung tâm London (Anh) vắng lặng trong đại dịch.
Một đường phố trung tâm London (Anh) vắng lặng trong đại dịch.

Vai trò dẫn đầu của giới kinh doanh trong việc định hình đời sống công cộng cũng dẫn đến việc mất niềm tin vào những gì chính phủ có thể đạt được- dẫn đến nhiều trục trặc trong đối tác công-tư, ưu tiên lợi ích của doanh nghiệp hơn lợi ích công cộng. Ví dụ, đã có tài liệu rõ rằng các mối quan hệ đối tác công-tư trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm thường ưu tiên cho các sản phẩm bom tấn, hấp dẫn về mặt thương mại, nhưng bỏ qua các loại dược phẩm cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả thuốc kháng sinh và vắc-xin cho một số bệnh có khả năng bùng phát .

Trên hết, thiếu một mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động trong các xã hội có sự bất bình đẳng gia tăng, đặc biệt là đối với những người làm việc trong các nền kinh tế vắt sức không có sự bảo trợ về mặt xã hội.

Nhưng nhờ cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ hiểu cách tiến hành chủ nghĩa tư bản khác hẳn đi. Điều này đòi hỏi phải suy nghĩ lại về những gì chính phủ có thể làm tốt nhất: thay vì chỉ đơn giản là sửa chữa những thất bại của thị trường khi chúng phát sinh, họ nên tiến tới tích cực định hình và tạo ra thị trường mang lại sự tăng trưởng bền vững và toàn diện. Họ cũng nên đảm bảo rằng các dự án hợp tác công-tư có nguồn vốn từ quỹ công của chính phủ nên được thúc đẩy bởi lợi ích công cộng, chứ không phải bởi lợi nhuận.

Trước hết, các chính phủ phải đầu tư và trong một số trường hợp tạo ra các thể chế giúp ngăn chặn khủng hoảng và khiến chúng ta có khả năng xử lý chúng khi chúng phát sinh. Ngân sách khẩn cấp của chính phủ Vương quốc Anh trị giá 12 tỷ bảng cho NHS là một động thái đáng hoan nghênh. Nhưng quan trọng không kém là tập trung vào đầu tư dài hạn để củng cố các hệ thống y tế, đảo ngược xu hướng của những năm gần đây.

Thứ hai, các chính phủ cần phối hợp tốt hơn các hoạt động nghiên cứu và phát triển, hướng họ tới các mục tiêu y tế công cộng. Việc phát hiện ra vắc-xin sẽ cần có sự phối hợp quốc tế ở quy mô lớn, được minh họa bằng công việc phi thường của Liên minh Đổi mới Dịch tễ học (CEPI).

Nhưng các chính phủ quốc gia cũng có trách nhiệm rất lớn trong việc định hình thị trường bằng cách thúc đẩy đổi mới để giải quyết các mục tiêu công cộng, giống như cách mà các tổ chức công đầy tham vọng như Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng (Darpa) ở Hoa Kỳ, vốn đã tài trợ cho thứ đã trở thành hệ thống internet khi nó đang giải quyết vấn đề nhận tín hiệu từ vệ tinh cho mục đích liên lạc. Một sáng kiến tương tự trong chăm sóc sức khỏe sẽ đảm bảo rằng tài trợ công được hướng đến để giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn dân.

Thứ ba, chính phủ cần cấu trúc quan hệ đối tác công-tư để đảm bảo cả công dân và nền kinh tế đều được hưởng lợi. Y tế là một lĩnh vực trên toàn cầu nhận được hàng tỷ đồng từ ngân quỹ công: ở Mỹ, Viện Y tế Quốc gia (NIH) đầu tư 40 tỉ USD mỗi năm. Kể từ khi SARS bùng phát năm 2002, NIH đã chi 700 triệu USD cho nghiên cứu chủng virus coronavirus. Khoản tài trợ công lớn dành cho đổi mới y tế có nghĩa là các chính phủ nên điều chỉnh quy trình để đảm bảo giá cả công bằng, bằng sáng chế không bị lạm dụng, cung cấp thuốc được bảo vệ và lợi nhuận được tái đầu tư, thay vì tiền bị rút ra cho các cổ đông.

Và rằng, với các mặt hàng y tế thiết yếu khẩn cấp - chẳng hạn như thuốc, giường bệnh, mặt nạ hoặc máy thở - thì các công ty được hưởng lợi từ trợ cấp công cộng trong thời bình không được phép đầu cơ và tăng giá trong thời chiến. Tiếp cận toàn dân và giá cả phải chăng là điều cần thiết không chỉ ở cấp quốc gia, mà ở cấp quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với đại dịch: không có chỗ cho chủ nghĩa dân tộc mạnh ai nấy sống, như kiểu của Donald Trump.

Thứ tư, đã đến lúc phải học những bài học khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi các công ty, từ các hãng hàng không đến bán lẻ, đến xin tiền cứu trợ và các loại hỗ trợ khác, điều quan trọng là phải chống lại việc chính phủ chỉ đơn giản là quăng 1 cục tiền. Các điều kiện có thể được đính kèm để đảm bảo rằng các gói cứu trợ sẽ giúp tái cấu trúc các doanh nghiệp đồ sộ này và biến chúng thành một phần của nền kinh tế mới – xanh hơn và giúp giảm lượng khí thải carbon, người lao động được đối xử và đầu tư tốt hơn để có thể thích ứng với các công nghệ mới. Nó phải được thực hiện ngay bây giờ, khi chính phủ còn có ưu thế.

COVID-19 là một sự kiện lớn phơi bày sự thiếu chuẩn bị và sự kém dẻo dai của nền kinh tế toàn cầu hóa. Nhưng chúng ta có thể sử dụng thời điểm này để đưa cách tiếp cận stakeholder (những người có lợi ích liên quan) vào phần lõi của chủ nghĩa tư bản. Đừng để cuộc khủng hoảng này lãng phí!

Sơn Đặng (lược dịch)

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Cơ hội cho quyền lực của chính phủ" tại chuyên mục Khoa học quản lý.