Chuyện Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - Bắc Ninh: Không nên ủng hộ một ngành nghề không có tương lai, đang chết dần

Đỗ Cao Bảo - Phó Chủ tịch HĐQT FPT

15/05/2023 13:42

Muốn giúp người dân Đồng Kỵ thì chúng ta nên giúp họ thay đổi khi mà xu hướng tiêu dùng đã đổi thay, chứ không nên bênh một hướng đi không có tương lai, đang chết dần dần.

Rất ít người Việt Nam biết rằng nghề làm đồ gỗ bằng gỗ quý chạm khắc tinh vi của Đồng Kỵ và các làng nghề khác của Việt Nam đã hết thời, đang chết dần dần, mà nguyên nhân không phải do đại dịch COVID-19 hay khủng hoảng kinh tế, bởi việc lao dốc đã bắt đầu từ cách đây 5-6 năm (2017-2018).

go-dong-ky-1684118832.jpg  

Đây là số liệu minh chứng:

Mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 6,89 tỷ USD năm 2016 lên 16,01 tỷ năm 2022 (tăng 130%), trong khi đó sản phẩm gỗ của Đồng Kỵ bán ra lại giảm 80-90%, số lao động làm nghề giảm 94% (từ 6.000 người xuống còn 350 người).

Điều ấy nói lên rằng: nghề gỗ, đồ nội thất, ngoại thất bằng gỗ ở Việt Nam đã chuyển mạnh sang hướng làm đồ nội ngoại thất từ gỗ công nghiệp, gỗ thịt thuộc nhóm gỗ trồng, gỗ khai thác bền vững được khách hàng quốc tế ủng hộ.

Khách hàng lớn nhất của đồ gỗ Đồng Kỵ (và các làng nghề Vân Hà, Vạn Điểm, La Xuyên, Chàng Sơn) trước đây là Trung Quốc, nhưng giờ đây Trung Quốc không mua nữa, các nước Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc từ trước đến nay không mua. Như vậy đồ gỗ từ gỗ quý trạm khắc chỉ còn duy nhất thị trường nội địa thôi, nhưng nhu cầu cũng đang giảm dần theo thời gian.

Vậy Trung Quốc và các nước phát triển họ dùng đồ nội thất gì? Hãy quan sát Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới: Năm 2021, thị trường đồ nội thất (furniture) Trung Quốc là 200 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 77 tỷ USD, tiêu dùng nội địa 125 tỷ USD. Một thị trường khổng lồ như thế lại rất gần gũi về văn hoá, thế mà người ta không mua đồ gỗ làm từ gỗ quý, trạm khắc tinh vi, bền hàng trăm năm như chúng ta nghĩ. Chúng ta hãy đặt câu hỏi tại sao?

Năm 2019, tôi có đi Phật Sơn thủ phủ đồ nội thất của Trung Quốc và thế giới, cả Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Trung Đông đều đến đấy mua đồ nội thất. Xu thế là không ai còn dùng đồ nội thất thuần gỗ quý nữa, họ dùng khung gỗ, đệm lò xo và mút, bọc vải và da, mặt bàn bằng gỗ hoặc bằng đá, trong đó khung bàn ghế đều từ gỗ trồng, khai thác bền vững).

Một qui luật không thể đảo ngược là khi xã hội giàu lên, văn minh lên, người ta không dùng bàn ghế thuần gỗ quý trạm khắc nữa, nguyên do có cả xu thế tiêu dùng của xã hội văn minh, có cả gu thẩm mỹ thay đổi, có cả sự tiện nghi và tiện dụng trong quá trình sử dụng (bộ sofa bọc da, bọc vải, đệm lò xò hay mút có thể nằm xem tivi khi nhà không có khách, hay có thể kê cái giá để máy tính ngồi làm việc với lớp trẻ là một tiện nghi).

Các nước kinh tế phát triển đã theo xu hướng này từ lâu, Trung Quốc đã chuyển từ những năm 2016-2017, Việt Nam chúng ta cũng thế không thể khác.

Chính người dân Đồng Kỵ đã nhận ra ra rằng “khách hàng đã buộc làng nghề gỗ phải thay đổi, phải chuyển hướng sản xuất từ gỗ tự nhiên sang sản xuất bằng gỗ rừng trồng, cùng với đó là phải thay đổi về mẫu mã sản phẩm nhằm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại”.

Người dân Đồng Kỵ đã nhận ra, họ đang thay đổi, thế mà có một số bạn vẫn cố bênh rằng “gỗ gõ đỏ, gỗ hương, gỗ gụ, gỗ lim” của Đồng Kỵ là nhập khẩu hợp pháp, đấy là làng nghề truyền thống cần giới thiệu cho khu khách quốc tế.

Kết lại là: muốn giúp người dân Đồng Kỵ thì chúng ta nên giúp họ thay đổi khi mà xu hướng tiêu dùng đã đổi thay, chứ không nên bênh một hướng đi không có tương lai, đang chết dần dần.

Đỗ Cao Bảo - Phó Chủ tịch HĐQT FPT