Chuyên gia kêu gọi đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm

Tự Phong

27/05/2021 17:13

Thời gian qua, các hoạt động đầu tư gia tăng vào đất đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và hiện đại hóa nông thôn, tuy nhiên điều này cũng tác động tới xã hội và môi trường như các hộ nông dân sản xuất nhỏ phải di dời khỏi mảnh đất của mình. Vì thế, các chuyên gia kêu gọi đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm cho khu vực sông Mê Công.

Trong hai ngày 26 và 27/5, Diễn đàn đất đai khu vực sông Mê Công lần thứ 3 (MRLF 2021) với chủ đề “Quyền sử dụng đất trong cảnh quan rừng khu vực sông Mê Công: thúc đẩy việc công nhận các quyền theo phong tục và thực hành đầu tư có trách nhiệm”. Đây là sự kiện có tính định kỳ do Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mê Công (MRLG) kết hợp cùng Tổ chức Land Portal tiến hành.

Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm (RAI) đòi hỏi sự hợp tác của các tác nhân chủ chốt gồm  cộng đồng và các hiệp hội nông dân, doanh nghiệp và chính phủ - đặc biệt là chính quyền địa phương. Vài thập kỷ trở lại đây đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng về đầu tư kinh doanh nông nghiệp và cây trồng trên khắp khu vực sông Mê Công. Đây là cơ hội cho nông dân, nhưng nó cũng khiến họ phải đối mặt với những rủi ro mới về sự thiếu chắc chắn và các điều kiện của thị trường, các tác động từ việc gia tăng sử dụng hóa chất đầu vào và trong nhiều trường hợp là bị các nhà đầu tư lợi dụng do sự chênh lệch quyền lực và các quy đinh pháp luật liên quan còn lỏng lẻo.

me-va-con-1622109713.jpeg

Theo mẹ gặt lúa. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh/MRLG

Theo Tiến sỹ Micah Ingalls, phụ trách dự án MRLG, những gián đoạn trong đời sống kinh tế - xã hội gần đây do đại dịch COVID-19 cho thấy rõ hơn sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đất và rừng của các cộng đồng sinh sống tại khu vực sông Mê Công, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, các hoạt động đầu tư gia tăng vào đất đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và hiện đại hóa nông thôn, tuy nhiên điều này cũng tác động tới xã hội và môi trường như các hộ nông dân sản xuất nhỏ phải di dời khỏi mảnh đất của họ. Có một thực tế rất quan trọng nhưng thường không được công nhận: các hộ nông dân sản xuất nhỏ có vai trò then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và khi tập hợp lại, chính họ là lực lượng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đông đảo nhất chứ không phải doanh nghiệp. Do vậy những vướng mắc   của các hộ nông dân này cần được ưu tiên giải quyết trong các chính sách liên quan.

Sau 2 lần tổ chức thành công tại Hà Nội (2016) và Băng Cốc (2018), diễn đàn lần này là cơ hội để hai Liên minh chia sẻ các kết quả ban đầu về những thay đổi chính sách và thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời tìm kiếm thêm tri thức và kinh nghiệm của các nước khác nhằm góp phần đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ một cách hiệu quả và bền vững hơn nữa. Quản trị đất đai trong cảnh quan rừng khu vực sông Mê Công sẽ thuận lợi hơn khi xem xét và tuân thủ các nguyên tắc như đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước với đầy đủ thông tin (FPIC) và Hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, lâm nghiệp và nông nghiệp (ASEAN-RAI).

Với 700 đại biểu đăng ký bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cơ quan phát triển, viện nghiên cứu... đến từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam và một số quốc gia khác, diễn đàn sẽ trình bày các nghiên cứu trường hợp điển hình, các phiên tranh luận sâu và đa chiều xoay quanh  những thách thức cấp bách nhất đặt ra đối với việc đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng và tác động của đầu tư kinh doanh nông nghiệp.

Tự Phong