Chứng khoán Rồng Việt: Thị trường BĐS có thêm một năm trầm lắng, xuất khẩu là trụ cột của tăng trưởng

Quang Khải

03/01/2024 11:43

“Xuất khẩu trở lại là trụ cột của tăng trưởng, tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ thể hiện rõ hơn, thêm một năm nữa cho việc tái cơ cấu nợ và tìm kiếm giải pháp cho thị trường bất động sản”, phía Rồng Việt Securities cho biết.

Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt Securities), năm 2023, với nhiều khó khăn nội tại và bên ngoài bủa vây, tăng trưởng kinh tế trở nên hụt hơi so với thành tích đạt được năm 2022.

Hoạt động xuất khẩu suy giảm đã kéo theo sự đi xuống của lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn trước đây là đầu tàu của tăng trưởng. Trong khi đó, khó khăn của thị trường vốn và bất động sản kéo dài từ cuối quý IV/2022 tạo ra nhiều hệ luỵ cho cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng trưởng 3,0% trong 3 quý 2023, thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm trước và mức tăng bình quân khoảng 7,6% giai đoạn 2015-2019. Đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 2,2%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2013.

Điều hành chính sách tiền tệ là điểm sáng, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngược dòng với xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, liên tục cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 6, mức giảm 150 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, chính sách cho phép cơ cấu thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc điều tiết cung tiền nhất quán theo hướng hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, đồng thời linh hoạt hút tiền trên thị trường mở khi áp lực tỷ giá dâng cao. Tiền đồng trong năm 2023 ước tính chỉ mất giá khoảng 2,5-3,0%.

Về thị trường vốn, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh (trung bình 2,5-3,0 điểm %) nhờ định hướng điều hành của NHNN và nhu cầu vốn yếu dẫn đến thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn, nhưng về cuối năm đã trở nên dễ thở đối với doanh nghiệp. Do nhu cầu chi tiêu của người dân, hoạt động sản xuất và đầu tư tư nhân suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng thực trong nền kinh tế khá yếu.

410473191-7096227420490762-1264269254710110730-n-1704256909.jpeg
BĐS được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng. 

Chứng khoán Rồng Việt cũng cho hay, dòng vốn bơm ra nền kinh tế một phần để hỗ trợ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản, một phần tài trợ các cho hoạt động thương mại và cho vay ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ước đạt 11%-12%. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tránh được nguy cơ vỡ nợ nhờ Nghị định 08 được ban hành, cho phép trái chủ có thêm thời gian để gia hạn và tái cấu trúc các khoản nợ.

Đầu tư công ước tính đóng góp 1 điểm % vào tăng trưởng GDP của năm 2023. Tính đến tháng 11/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 59% kế hoạch, tương đương 494,3 nghìn tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh trong năm 2023 gồm: Cao tốc Bắc Nam phía Đông (32,5 nghìn tỷ đồng); Hoàn thiện Cao tốc Bắc Nam GĐ 1 (10,8 nghìn tỷ đồng); Chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 – Hà Nội và Vành đai 3 – TPHCM (19,8 nghìn tỷ đồng)...

“Xuất khẩu trở lại là trụ cột của tăng trưởng, tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ thể hiện rõ hơn, thêm một năm nữa cho việc tái cơ cấu nợ và tìm kiếm giải pháp cho thị trường bất động sản”, phía Rồng Việt Securities cho biết.

Tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi dựa trên các kỳ vọng: 1) xuất khẩu cải thiện từ mức nền thấp, đặc biệt là mặt hàng công nghệ, 2) nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cải thiện nhờ tác động trễ của chính sách tiền tệ, 3) tác động tiêu cực từ chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản được hạn chế. Lạm phát năm2024 kỳ vọng sẽ nhích tăng nhẹ do sự điều chỉnh giá của các mặt hàng do nhà nước kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Năm 2024, là năm cảm nhận tác động trễ các chính sách tài khoá và tiền tệ, không có nhiều dư địa để cắt giảm thêm lãi suất điều hành hay thúc đẩy mới ở khía cạnh tài khoá. Tác động của việc lãi suất huy động/cho vay giảm gắn với hiệu ứng lan toả tốt hơn của chính sách tài khoá là cơ sở để tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện.

Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp từ Chính phủ và tư nhân, thị trường TPDN đã trải qua một năm tái cơ cấu nợ và tránh được sự đổ vỡ mang tính hệ thống.

“Chúng tôi chỉ có thể xác nhận rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhưng những trục trặc cũ vẫn chưa thoái lui. Năm 2024 vẫn sẽ là năm tích cực tái cấu trúc nợ vay, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản và tập đoàn tư nhân lớn. Mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn phục hồi, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn cao và nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng”, Rồng Việt Securities đánh giá.

415284775-900463041310574-72592581690445746-n-1704256907.jpeg
Xuất khẩu trở lại là trụ cột của tăng trưởng. Ảnh: Quang Khải

Đối với thị trường BĐS, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng sẽ có thêm một năm trầm lắng. Giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ hiện hình nhưng không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản. Mặc dù lãi suất giảm có thể kích thích nhu cầu nhưng việc mất cân đối cung-cầu ở phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Cũng theo Rồng Việt Securities, kinh tế thế giới năm 2024 có thể trải qua những bất ổn do tổn thất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW lớn, các cuộc chiến tranh kéo dài và rủi ro địa chính trị leo thang. Tuy vậy, kỳ vọng quan điểm khác biệt trong triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed, thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của ECB và BOJ sẽ tạo áp lực nhất định đối với vị thế của đồng USD. Điểm tích cực là áp lực mất giá tiền đồng không thực sự là rủi ro lớn trong năm 2024.

“Chúng tôi nhận thấy làn sóng trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông qua kết quả thu hút FDI năm 2023. Trọng tâm của sự chuyển dịch là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ và đáng chú ý hơn là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét…”, Rồng Việt Securities nêu quan điểm.

 

Quang Khải