Chung cư mini 'đội lốt' nhà riêng lẻ đang biến tướng, siết chặt quản lý bằng cách nào?

Phạm Đức

16/09/2023 10:39

Thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở… không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: Gia tăng mật độ dân số, phá vỡ quy hoạch, vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư.

Nở rộ chung cư mini

Những năm gần đây, tình trạng xây dựng chung cư mini sai phép xảy ra phổ biến. Những biến tướng về dạng căn hộ "hộp diêm" làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, phát sinh nhiều rủi ro tranh chấp…

Tại TP.HCM, chung cư mini tập trung nhiều ở các quận trung tâm. Có một thực tế là loại hình nhà ở này phần nào đáp ứng được về nhu cầu chỗ ở của một bộ phận người dân, nhưng những ảnh hưởng của nó tới trật tự xây dựng đô thị, quá tải hạ tầng, phá vỡ quy hoạch đô thị cũng là điều rất cần phải bàn tới.

Theo các chuyên gia, loại hình nhà ở này xuất hiện khi Nghị định 71/2010 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) ra đời, bắt đầu cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ. Từ thời điểm đó, chung cư mini mọc lên nhan nhản như “nấm sau mưa”.

Tuy nhiên, cũng vì để tối đa hóa lợi nhuận mà rất nhiều công trình dạng này xây sai phép, ví dụ như: xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép… Cũng chính vì việc xây dựng không đúng theo các quy định của pháp luật nên cho dù ra đời cả chục năm nay nhưng vẫn rất nhiều chung cư mini chưa được cấp sổ hồng.

can-ho-dich-vu-1694834838.jpeg
Một khu căn hộ mini tại trung tâm TP.HCM với giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ đang được một số công ty địa ốc rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá hơn 1,2 tỷ đồng/căn.

Chỉ bằng vài thao tác trên mạng Internet, có thể tìm kiếm được hàng loạt chung cư mini do các hộ gia đình xây dựng cũng có, do các công ty xây dựng cũng có đang được rao bán. Với các công ty xây dựng loại hình nhà ở này, cách bán hàng được triển khai chuyên nghiệp hơn với những trang web giới thiệu toàn thông tin hấp dẫn như: chung cư nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm quận, giao thông đi lại thuận tiện, căn hộ được thiết kế hiện đại, hợp phong thủy, đầy đủ nội thất...

Cùng với đó là những lời hứa hẹn một cách "mập mờ" như: "Chung cư có đầy đủ giấy tờ pháp lý chính chủ theo quy định như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng. Hợp đồng mua bán công chứng… Giá cả thì rất hấp dẫn từ 900 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/một căn.

Nói về loại hình chung cưu mini nở rộ như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, từ năm 2010 đến nay, tại TP.HCM nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành. Nhu cầu chung cư mini là có nhưng TP.HCM không khuyến khích phát triển loại hình này, vì làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, phát sinh nhiều rủi ro tranh chấp…

Chủ tịch HoREA cho rằng, do bất cập của các quy định pháp luật đã "bật đèn xanh" làm phát sinh tình trạng nở rộ nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu chung cư mini. Quy định này đang dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan các chung cư mini tại các đô thị lớn, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn PCCC cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân.

Trước đó, TP.HCM đã nhiều lần bác căn hộ 25m2 vì lo ngại loại nhà ở siêu nhỏ này sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình đô thị hóa, hệ lụy làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.

Siết chặt cấp giấy phép xây dựng chung cư mini

Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua tại khu vực đô thị hoặc các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê để ở, không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, PCCC.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: Gây quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, gia tăng mật độ dân số, không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán do không cấp được Giấy chứng nhận quyền sở hữu...  Đặc biệt là vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, mà điển hình là vụ cháy tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.

thu-1694835266.jpeg
Công trình nhà ở riêng lẻ (tại đường số 32, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) bị biến tướng thành chung cư mini bị cơ quan chức năng "tuýt còi".

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu dân cư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương thực hiện các công việc như tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong văn bản số 2937/BXD-QLN ngày 18/6/2020 của Bộ Xây dựng.

Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã hoàn thành, phải khẩn trương rà soát toàn bộ các công trình này để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng đặc biệt là vi phạm về PCCC. Có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng; đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đối với các công trình xây dựng mới thì các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, PCCC của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm Đức