Chưa cổ phần hóa Saigontourist để bảo tồn 04 khách sạn có vị trí vàng là Rex, Majestic, Continental và Kim Đô

Mộc Công

27/05/2021 13:55

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương chưa cổ phần hóa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) theo đề nghị của UBND TP HCM nhằm quản lý bảo tồn 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật với vị trí tại trung tâm thành phố là Rex, Majestic, Continental và Kim Đô.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp. HCM hôm 13/5/2021.

khach-san-majestic-saigon-1525-1622098282.jpeg
Khách sạn Majestic

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) rà soát, hoàn thiện dự thảo Quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 (nhằm thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016).

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu cơ sở thực tiễn và các quy định pháp luật liên quan, đề xuất, bổ sung việc chưa cổ phần hoá, thoái vốn tại những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có lãi, quản trị tốt, ngành nghề đặc thù, thương hiệu mạnh của Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, điều hành kinh tế vĩ mô, có giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc.

Theo quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Saigontourist thuộc nhóm cổ phần hóa mà Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Thế nhưng, tại báo cáo gửi Thủ tướng ngày 29/4 về tình hình kinh tế - xã hội quý I, liên quan đến quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, UBND TP HCM cho biết, hiện nay Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn: Khách sạn Bến Thành – Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long – Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu – Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô. Đây là những khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố, mang tính đảm bảo an ninh – quốc phòng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước TP HCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất (đây là các khoản bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị tiền thuê đất trong một thời gian xác định) với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh và các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh – quốc phòng trước mắt và lâu dài.

Do vậy, nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn nói trên và phần vốn góp tại các liên doanh này (trên 2/3 các liên doanh có điều khoản khi kết thúc thời hạn liên doanh, tài sản của công ty liên doanh sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho nhà nước Việt Nam và các khu đất liên doanh cũng sẽ được giao lại cho cơ quan nhà nước quản lý).

Trên cơ sở đó, TP HCM đề xuất hai phương án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Phương án 1, chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP HCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.

Phương án 2, chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 – 2025.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020, Saigontourist có tổng tài sản gần 11.400 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của đại dịch, tổng công ty bị lỗ sau thuế hơn 180 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 về trước, tổng công ty vẫn có lãi quanh 1.000 tỷ đồng.

Mộc Công