Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết sáng 3/8, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với số phiếu bầu đạt tuyệt đối.
Hơn 2 tháng trước (ngày 22/5), Đại tướng Tô Lâm khi đang là Bộ trưởng Công an, đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Sau 5 năm học tại Đại học An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau đó kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an.
Giai đoạn 1988-1993, ông là Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Công an.
4 năm sau, ông lần lượt giữ chức Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị III, Bộ Công an.
Từ 2006 đến 2009, ông Lâm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh rồi Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục An ninh I, Bộ Công an. Năm 2007, ông được phong hàm Thiếu tướng và thăng hàm Trung tướng 3 năm sau đó.
Năm 2009, ông đảm nhiệm vai trò Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an và trở thành Thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 8/2010.
Sau 6 năm giữ cương vị Thứ trưởng, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Công an vào tháng 4/2016. Trước đó 2 năm, ông được phong hàm Thượng tướng.
Đến năm 2019, ông Tô Lâm được phong hàm Đại tướng và giữ chức Bộ trưởng Công an cho đến tháng 5/2024, trước khi được bầu làm Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng quy định Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.
Theo quy định 214, Tổng Bí thư phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"...
Tổng Bí thư phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.