Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Quy mô tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng

Thùy Linh

29/12/2021 21:59

Ngày 29/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2022, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết quy mô tổng tài sản của nhà băng này đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

bidv-phan-duc-tu-1640789534.jpg
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú

Ngày 29/11, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, cùng với hệ thống ngân hàng, BIDV cũng quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, miễn giảm lãi, phí.

Bên cạnh đó, BIDV tăng cường chuyển đối số, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt các nhu cầu dịch vụ tài chính ngân hàng của nền kinh tế.

Với kết quả đó, ông Phan Đức Tú cho biết, năm 2021, BIDV đã cùng hệ thống các TCTD Việt Nam có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Theo Chủ tịch BIDV, các TCTD nói chung và BIDV nói riêng đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế.

“Đây có lẽ là thành công lớn nhất của ngành Ngân hàng nói chung, các TCTD nói riêng trong đại dịch. Việc đảm bảo không bị đứt gãy, đình trệ, gián đoạn hoạt động thanh toán tín dụng, việc áp dụng mạnh mẽ và nhanh chóng các phương tiện thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng trong nước, các định chế tài chính trên toàn cầu về thanh toán, giao dịch mua bán, đầu tư, chi tiêu giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Phan Đức Tú nói.

Về tình hình kinh doanh của BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết quy mô tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Quy mô tín dụng ở mức 1,582 triệu tỷ đồng, tăng 12%, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ nợ xấu nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%. 

Trong 9 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 10.733 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, tương đương 83% kế hoạch năm. Tại thời điểm 30/9, BIDV có tổng tài sản 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên 1,33 triệu tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính tương đương đầu năm, với 21.432 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm 16%, và nợ dưới tiêu chuẩn tăng 85%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,76% đầu năm xuống còn 1,61%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 140%, tương đương đầu năm.

Tiền gửi khách hàng tăng 7%, lên gần 1,3 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 68%, lên 68.505 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá ghi nhận 114.974 tỷ đồng, tăng 82%, chủ yếu do tăng chứng chỉ tiền gửi dưới 12 tháng.

Ông Tú cho biết BIDV đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhận còn lại các năm trước. Ngân hàng dự kiến chi hơn 804 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 2% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận được 200 đồng) và phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu theo tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là ngày 24/1/2022. Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Thùy Linh