Chi phí logistics Việt Nam - châu Âu tăng mạnh

thunguyen

06/05/2020 09:04

Cước vận tải biển Việt Nam - Châu Âu tăng khoảng 1.000 USD/container do tình trạng khan hiếm tàu biển trong tuyến đường này. Giá cước trước đó dao động trong khoảng 1.200 - 1.500 USD/container.

Annie Nguyễn - phụ trách bán hàng Euro Viet Fresh, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu dừa tươi, thanh long và chanh dây từ Việt Nam sang Châu Âu cho biết. Ngoài ra, cước vận tải hàng không cũng tăng mạnh so với trước, từ 3 USD/kg lên mức 7 USD/kg, theo Annie Nguyễn.

Giá cước logistics đường biển và hàng không tăng mạnh dưới tác động của đại dịch, khi các chuyến bay bị hạn chế, đồng thời lao động tại các bến cảng, tàu biển cũng giảm mạnh do các quyết định cách ly xã hội. Trái cây từ Việt Nam vận chuyển sang châu Âu để bán tươi tại các siêu thị, thông thường kết hợp giữa hai hình thức vận tải biển và vận tải hàng không để tối ưu chi phí, đồng thời đảm bảo được độ tươi ngon khi bày bán. Tuỳ hãng vận tải, hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu có thể đi thẳng hoặc thông qua các điểm trung chuyển tại Singapore hoặc Dubai.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam - Châu Âu cũng cho biết hiện tượng các chuyến hàng đến trễ do thủ tục xử lý tại các cảng trung gian lâu hơn trước, khiến chi phí logistics tăng lên.

Thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, không chỉ do việc đình đốn hàng hoá, mà còn do giá cước logistics tăng, khiến giá cả đến tay người tiêu dùng tăng mạnh, trong điều kiện thu nhập người dân nhìn chung suy giảm. Chỉ số vận tải hàng khô BDI đã tăng hơn 80% sau hơn hai tháng tạo đáy tại mức 415 điểm. Hiện tại, chỉ số đã giảm so với giữa tháng Tư, nhưng vẫn đạt mức tăng 44% so với đầu tháng Hai.

Khối lượng trái cây xuất khẩu của Euro Viet Fresh từ Việt Nam sang Châu Âu trong hai tháng Ba và Tư đã giảm một nửa so với cùng kỳ. Bước sang tháng Năm, lượng trái cây xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại mặc dù giá cước vẫn cao, đại diện Euro Viet Fresh cho biết. Công ty xuất khẩu sang châu Âu theo đường biển và/hoặc đường hàng không, tuỳ yêu cầu của khách hàng.

Châu Âu được xem là một thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam, sau Trung Quốc, quốc gia chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu trái cây. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của Châu Âu, còn phải chú ý các biện pháp bảo quản trái cây, kéo dài thời gian, qua đó tăng thời gian vận tải đường biển, là hình thức vận tải với giá thành thấp nhất. Với thị trường châu Âu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là đại lượng quan trọng nhất trong các tiêu chuẩn mà đối tác đề ra, không phải là các chứng chỉ VietGap hay GlobalGap.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Chi phí logistics Việt Nam - châu Âu tăng mạnh" tại chuyên mục Khoa học quản lý.