Cần thêm sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam

Mai Phương

25/04/2023 11:04

Ngày 24/4, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (VTC) phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về “Sáng tạo nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số”. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và kinh doanh nội dung số.

dien-dan-sang-tao-noi-dung-so-1682354683.png
Diễn đàn “Sáng tạo nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Chương trình có sự tham dự của đại diện Cục Phát thanh – Truyền hình & Thông tin điện tử, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông; đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam, các đơn vị sản xuất nội dung số, các đơn vị công nghệ và quảng cáo số.

Sự kiện diễn ra với 2 phiên thảo luận chính với các chủ đề “Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số” và “Khai thác thương mại, kinh doanh quảng cáo trên các nền tảng số”. 

toan-canh-su-kien-1682354683.png
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đơn vị trong lĩnh vực sản xuất nội dung số, công nghệ và quảng cáo số.

Tại diễn đàn, ông Tạ Mạnh Hoàng – Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số, Tổng Giám đốc Sconnect đã có những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển sản phẩm nội dung số tại thị trường quốc tế. 

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, ngoài những thuận lợi trong việc xây dựng nội dung số như: chính sách phát triển kinh tế số của Chính phủ, nguồn nhân lực trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao… thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển sáng tạo nội dung số vươn tầm quốc tế. 

ong-ta-manh-hoang-1682354681.png
Ông Tạ Mạnh Hoàng – đại diện Sconnect chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển sản phẩm nội dung số tại thị trường quốc tế.

Thứ nhất, mô hình kinh doanh tại Việt Nam mang tính tự phát và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ hai, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Chỉ 50% doanh nghiệp sáng tạo nội dung số Việt Nam tồn tại sau 5 năm hoạt động (nghiên cứu bởi ĐH Quốc gia Hà Nội).

Thứ ba, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu, dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế. Việt Nam bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến.

Thứ tư, Việt Nam đang thiếu các sản phẩm nổi bật trong nước cũng như trên thế giới để tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao.

Thứ năm, nhận thức của một số bộ phận người dùng các sản phẩm trên nền tảng số tại Việt Nam còn bị hạn chế, dễ bị lôi kéo vào những sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.

Thứ sáu, sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu các mục tiêu trọng tâm và chiến lược phát triển tổng thể cho mảng kinh doanh nội dung số.

Thông qua việc phân tích những thách thức và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Sconnect đã đưa ra những giải pháp toàn diện để chinh phục thị trường quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam nên chuyển đổi từ mô hình kiếm tiền nhanh sang mô hình kinh doanh bền vững cùng với 5 bước đi hiệu quả: Định vị sản phẩm; Phân tích và vận dụng xu hướng; Phân tích và vận dụng đối thủ; Phát triển đội ngũ; Thúc đẩy kinh doanh.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên tục nâng cao năng lực phát triển, tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia trong mảng.

Ông Hoàng cũng đề xuất giải pháp kết nối với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, chia sẻ những vướng mắc, các khó khăn làm cơ sở để tạo nên sự kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước tạo sự thuận lợi xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển tổng thể mảng nội dung số, tạo dựng các cơ hội kinh doanh, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Liên minh Sáng tạo nội dung số (Digital Content Creation Alliance - DCCA) ra đời với sứ mệnh “Kết nối tạo giá trị trên toàn thế giới”; kết nối các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành nội dung số, công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết cùng phát huy thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa ngành Sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày một lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung có giá trị cho cộng đồng. Các sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp ra toàn thế giới.

Mai Phương