Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường này, ngoài tác động của Covid-19 thì việc thiếu vắng một chiến lược phát triển toàn diện cho ngành Du lịch, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác hiệu quả tài nguyên từ đất đai cũng như cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch tại Việt Nam là thách thức rất lớn
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một đạo luật rất quan trọng tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện sau thời gian thảo luận bổ sung sửa đổi và dự kiến sẽ được Quốc hội khóa 15 xem xét tại kỳ họp thứ VI khai mạc vào tuần tới đây.
Đến thời điểm này, các nhà thảo luận tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 NQTW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ra trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng dường như chưa có những hành lang pháp lý thực sự khuyến khích trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như khung pháp lý hiện hành đó là lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch” – ông Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Thông qua Hội thảo, các diễn giả đã có những phân tích, kiến giải, đề xuất cơ chế chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số điểm quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch. Theo đó, hiện Dự thảo Luật không tiếp cận theo hướng đất du lịch mà có nhiều đất liên quan đến công trình, hạ tầng du lịch như khu vui chơi giải trí, bãi tắm, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, dự án lấn biển, nhà ở thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó còn có đất kết hợp đa mục đích như đất nông nghiệp kết hợp du lịch, đất ở kết hợp du lịch, đất tín ngưỡng kết hợp du lịch.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo… Theo ông Lực, việc này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này.