Tổng mức đầu tư của Dự án hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, có tổng chiều dài 110km đi qua địa bàn Thành phố Cần Thơ và 4 tỉnh là Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, có điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 – đường Nam Sông Hậu, TP. Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP. Cà Mau.
Dự án khởi công tháng 1/2023, được chia thành hai dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau có chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.
Theo đại diện nhà thầu thi công dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì hiện tại vướng mắc lớn nhất của tiến độ thi công dự án vẫn cát đắp nền. Việc thiếu vật liệu đất cát đắp nền đường và chờ thời gian gia tải theo dõi lún... đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.
Vị đại diện này cho biết, trữ lượng cát cho việc thi công toàn bộ dự án về cơ bản là đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng dự án, nhưng vì bị khống chế bởi công suất khai thác hàng ngày do các yếu tố quy định về tác động môi trường (DTM). Khối lượng đưa về công trường đến nay chỉ được 3,5 triệu m3 cát trong khi trữ lượng có thể khai thác lên đến 8 triệu m3 cát. Công suất khai thác hiện chỉ đạt trung bình 15.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án là 50.000m3/ngày.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải: “Hơn 3,6 triệu m3 cát còn lại chưa khai thác được, gồm: Hơn 0,4 triệu m3 ở tỉnh An Giang đang hoàn thiện thủ tục thỏa thuận giao thông thủy. Tỉnh Vĩnh Long còn 3 triệu m3 người dân khu vực mỏ cản trở khai thác và 1 mỏ đang khai thác nhưng chưa thể lấy cát do địa phương tạm thời không cho tập kết cát về bãi rửa. Tỉnh Đồng Tháp có mỏ An Nhơn trữ lượng còn lại 0,147 triệu m3 nhưng đã dừng khai thác từ tháng 12/2023 để đánh giá lại báo cáo đánh giá tác động môi trường".
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực ĐBSCL đang triển khai thi công các dự án cao tốc có tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp nền khoảng 50 triệu m3, đó là các dự án như: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có mỏ cát trong khu vực để ưu tiên, phân bổ, tăng công suất, mở mới các mỏ để phục vụ thi công các dự án. Các địa phương cũng đã tích cực triển khai và đã xác định được khoảng 37 triệu m3, nhưng nguồn cát sông và công suất khai thác như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thi công.
Về mốc thời gian hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vân tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: “Chậm nhất là 31/12/2025 phải hoàn thành để bảo đảm toàn tuyến cao tốc Bắc Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân”. Do đó, hiện nay các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án để bàn giao chủ đầu tư đúng tiến độ.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau là hai dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37,65km với 4 làn xe hoàn chỉnh đi qua địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang, có điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối tại huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang. Toàn bộ dự án này có một gói thầu xây lắp duy nhất. Nhà thầu được chỉ định thầu là liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36 CTCP Tổng công ty Xây dựng số 1 CTCP - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam. Giá chỉ định thầu là hơn 7.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày. Dự án thành phần thứ hai là đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Điểm đầu tiếp nối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, điểm cuối tại đường nối vào Hành lang ven biển phía Nam huyện Thới Bình (tuyến tránh TP. Cà Mau). Tuyến đường đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Dự án này có 3 gói thầu, trong đó gói thầu XL-02 có chiều dài hơn 23km, từ Km91+800 - Km114+200. Nhà thầu được chỉ định thầu là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn. Giá chỉ định thầu hơn 3.717 tỷ đồng, thời gian thực hiện 1.020 ngày. (Theo baogiaothong.vn) |