70% doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vây từ ngân hàng
Theo VARS, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các chuyên gia nhận định, chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án bất động sản được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay. Hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương được tổ chức. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực thi vẫn là vấn đề rất nan giải.
Cụ thể, VARS đã khảo sát hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản liên quan đến mức độ tác động của các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong đó, có 11% doanh nghiệp phát triển dự án, 60% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và 29% doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực.
Kết quả cho thấy: Về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung bất động sản. 57% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường.
Gần 8 tháng qua, tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để. Tuy nhiên, thị trường có ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét theo thời gian. Điều này chứng minh ở việc vào những tháng cuối quý 2 và đầu quý 3/2023, trên thị trường đã xuất hiện thông tin dự án được mở bán tại một số địa phương như TP.HCM, Long An, Bình Dương…
VARS đánh giá, về bản chất, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ “lớp ngoài” đối với vấn đề “nguồn cung”. Chưa thực sự thâm nhập và giải quyết một cách triệt để, trên diện rộng tất cả các khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung.
Về tâm lý nhà đầu tư, dữ liệu khảo sát của VARS cho thấy, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường nên khách hàng/nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.
Bên cạnh vấn để giải quyết pháp lý thì nguồn vốn là vấn đề đeo bám dai dẳng doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua. Qua cuộc khảo sát của VARS, có tới hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động tới doanh nghiệp. 30% còn lại ghi nhận tác động tích cực của những chính sách này thuộc nhóm có nhu cầu, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
25% doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể trụ tới hết quý 3
Đánh giá về động thái của chính quyền địa phương trong khâu thực thi các cơ chế, chính sách mới được ban hành, theo VARS, có tới 50% doanh nghiệp là các Hội viện của VARS cho rằng, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; 14% cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết. Trong đó, điển hình phải kể đến là các địa phương như TP.HCM, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội,…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chính quyền tại một số địa phương chỉ dừng lại ở mức tiếp nhận thông tin, chưa có động thái cụ thể trong giải quyết các vướng mắt dự án. Điều này có thể là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương.
Kết quả khảo sát của VARS cũng chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này minh chứng ở việc số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng.
Cụ thể, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.
Trước tình trạng trên, VARS nhận định, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý 3/2023, nếu khó khăn tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Các môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch cũng có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội,... do không có nguồn thu; Hay bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện... do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.