Bông hoa xương rồng của vùng đất Quảng Bình- Lương Thị Lài: Thành công phải có trách nhiệm và khát vọng vươn lên...

Đinh Thanh Loan

21/04/2023 11:20

Những người phụ nữ kiên cường của vùng đất Quảng Bình đầy nắng và gió được gọi là một trong những bông hoa xương rồng. Họ bản lĩnh, kiên cường, với ý chí khát vọng vươn lên, nhưng đằng sau vẻ gai góc bản lĩnh đó, họ là những người phụ nữ dịu dàng, đoan hậu...

Doanh nhân Lương Thị Lài, Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện áo cưới Tuấn Lài (Công ty Tuấn Lài) được ví là một trong những bông hoa xương rồng của vùng đất Quảng Bình. Gặp người phụ nữ này, chúng tôi được chị tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời... Để gầy dựng thương hiệu và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về tổ chức sự kiện cưới tại Quảng Bình, Công ty Tuấn Lài đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm...

Mỗi thương hiệu phát triển và khẳng định vị trí của mình trên thị trường đều trải qua những bước thăng trầm. Câu chuyện phát triển thương hiệu thật không dễ dàng, đòi hỏi người lãnh đạo vừa có tâm và phải có tầm. Câu chuyện hậu Covid 19, khôi phục doanh nghiệp, đưa công ty quay lại guồng quay công việc là một bài toán khó...

img-20230421-103124-1682048055.jpg

Doanh nhân Lương Thị Lài, Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Tuấn Lài.

Đối với nữ doanh nhân Lương Thị Lài cũng vậy, chị là Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện áo cưới Tuấn Lài một trong những công ty hàng đầu về tổ chức sự kiện cưới tại Quảng Bình. Để có được thành công, chị và Công ty Tuấn Lài có những tiêu chí riêng trong nghề. Chị xứng đáng được gọi là bông hoa xương rồng trên cát, chịu bao khắc nghiệt nhưng vẫn nở bông hoa trắng xinh dịu dàng toát lên sự kiên cường

Phóng viên Tạp chí Nhà quản lý đã có cuộc trò chuyện cùng người phụ nữ được ví là một trong những bông hoa xương rồng của vùng đất Quảng Bình Lương Thị Lài, xoay quanh sự phát triển và xây dựng thương hiệu áo cưới Tuấn Lài Quảng Bình. Đây là một trong những đơn vị kinh doanh về áo cưới và tổ chức sự kiện hàng đầu tại Quảng Bình.

PV: Thưa chị, với bất cứ một doanh nghiệp nào, xây dựng và phát triển thương hiệu là câu chuyện “dài kỳ”, trong đó có những bước thuận lợi cũng như khó khăn. Vậy xây dựng thương hiệu áo cưới của chị có những bước thuận lợi và khó khăn gì?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Năm 1995, tôi xây dựng thương hiệu áo cưới Tuấn Lài, phải nói rằng đó là bước khởi nghiệp táo bạo. Lúc đó, thị trường tổ chức sự kiện và áo cưới còn rất non trẻ. Tôi còn nhớ, ở mảnh đất này, thống lĩnh thị trường này là một thương hiệu khác. Nhưng tôi, với ý chí quyết tâm và với quan niệm “phải cố gắng, phải cố gắng!”. Vậy là tôi từng bước nhặt nhạnh kiến thức! Với lòng say mê, yêu nghề, học hỏi để từng bước đi lên...

 Thời gian đầu, cũng có lúc chùn bước. Tôi luôn đặt câu hỏi: “Tại sao họ thành công mà tôi không thành công?” Với câu hỏi đó, bao đêm tôi thao thức và tìm cho mình một hướng đi cùng sự học tập, và quyết tâm cao độ.

PV: Vậy câu chuyện xây dựng thương hiệu lúc đầu cũng đầy khó khăn, gian nan đối với chị?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Rất đúng! Tôi làm việc bằng sự say mê đối với nghề. Nghề sự kiện cưới và trang điểm này cũng như bao nghề đều có những tính chất và đặc thù riêng. Nếu mình không yêu và không say thì mình sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Và tôi là người yêu và say với nghề này. Tôi luôn tìm hiểu và học cách làm mới, đáp ứng sự nhanh nhạy của thời cuộc. Từ trang điểm, áo cưới, đến chụp hình, quay phim, tổ chức sự kiện...

Làm nghề này bạn phải nhanh và chính xác, cũng như các bạn làm thời sự ấy. Phải chuẩn chỉnh từng công đoạn của công việc, từng động tác một và đúng giờ. Tôi nghĩ, đời người, ai cũng muốn ngày mình lên xe hoa, hay sự kiện trọng đại gì cũng phải thật hoàn thiện, chỉnh chu và lộng lẫy nhất có thể. Nên đội ngũ nhân viên và cộng sự chúng tôi phải hiểu và tôi cũng quán triệt nhân viên từ trên xuống dưới phải tuân thủ nguyên tắc về tỉ mĩ, hoàn thiện và đúng giờ.

PV: Chị nói về cộng sự và nhân viên? Bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững phải có cộng sự tốt và nhân viên tốt? Vậy đơn vị chị có được sự may mắn khi sở hữu những cộng sự và nhân viên tốt không?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Đúng là tôi may mắn về điều đó. Trên 20 năm xây dựng thương hiệu, chúng tôi đã may mắn có được đội ngũ nhân viên và cộng sự kề cận. Họ luôn kề vai sát cánh và luôn đồng hành cùng đơn vị. Các bạn hiểu được tính chất công việc, yêu nghề và say mê với nghề. Các bạn luôn chịu khó học hỏi và nhiệt huyết, chịu khó với nghề. Từ những nguyên tắc về giờ giấc và tuân thủ sự chỉ đạo từ trên. Và nghề này cũng đòi hỏi tính tỉ mỉ, sáng tạo và đội quân của Công ty áo Tuấn Lài luôn làm được điều đó.

PV: Thưa chị, tôi được biết, ở doanh nghiệp của chị có nhiều học trò thành danh và cũng có tiếng trên thị trường? Chị có ngại và sợ nếu học trò lấy mất nguồn khách và mất thị trường?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Tôi quan điểm thế này: “duyên ai người ấy giữ”. Và tôi tự hào về học trò của tôi thành danh. Các bạn ấy cũng đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của các bạn trên thị trường. Nhưng tôi nói thật, đào tạo nghề cũng như đào tạo sinh viên trong trường đại học ấy, cũng có người giỏi rồi không giỏi, cũng phải tùy thuộc vào khả năng của các bạn ấy nữa. Mình cho các bạn ấy căn bản, sự trải nghiệm và học tập. Còn các bạn ấy thành công hay không còn tùy thuộc vào năng khả của các bạn.

tuan-lai-2-1682048147.jpg

Doanh nhân Lương Thị Lài cùng các cộng sự.

PV: Vậy là người thầy cũng giống người đưa đò chị nhỉ, nhưng người thầy dạy nghề ở đây có điều gì trăn trở?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Trăn trở chứ! Ai cũng muốn học trò mình thành danh và khi thành danh mong muốn các bạn nhớ đến thầy. Vì dạy nghề, nên tình cảm và sự gần gũi nên dành cho nhau. Nghề nghiệp nào cũng cần giỏi về nghề và cũng cần có đạo đức trong nghề. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó tôi tin khó có thể thành công bằng nhiều nghĩa.

PV: Thưa chị, chúng ta vừa trải qua gian đoạn khó khăn sau Covid-19, một doanh nghiệp tổ chức sự kiện như chị có gặp khó khăn không?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Phải nói, doanh nghiệp tôi hay bất cứ doanh nghiệp nào trên toàn thế giới đều trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, nhưng với vai trò là người “ thuyền trưởng”, tôi phải vững vàng để đưa tập thể mình vượt qua sóng gió. Thực ra nghề cưới, nghề tổ chức sự kiện hay nghề gì đi nữa, khi bạn đã khẳng định thương hiệu của mình thì khách hàng luôn tìm đến bạn.

Với thương hiệu Tuấn Lài Quảng Bình, tôi làm việc bằng tất cả trái tim và trách nhiệm. Khách hàng đến với chúng tôi, chúng tôi đều đặt vị trí là mình đang làm việc cho người nhà và phải làm thật tốt, thật chuyên nghiệp. Làm việc bằng tình yêu, trách nhiệm. Chúng tôi, muốn họ đẹp nhất, hạnh phúc nhất, rực rỡ nhất, hoàn mỹ nhất trong ngày trọng đại.

PV: Với những thành quả gặt hái được bằng tên tuổi của một thương hiệu phát triển. Chị có thể tiết lộ cho chúng tôi biết về những thương hiệu con xung quanh thương hiệu của công ty mẹ không?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Công ty Tuấn Lài Quảng Bình chúng tôi vừa ra mắt thêm chi nhánh ở TP.HCM; Đơn vị chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ làm đẹp, chụp ảnh cưới, phóng sự, đào tạo trang điểm cá nhân và chuyên sâu với thương hiệu Tuấn Lài Wedding; Chuyên tổ chức sự kiện khai trương, thi công set up nhà hàng tiệc cưới, trang trí tiệc đính hôn tại tư gia với thương hiệu Tuấn Lài Luxury Wedding Planner; Cung cấp áo dài cách tân và thiết kế riêng cho cô dâu, áo dài mẹ, áo dài phù dâu, áo dài đồng phục nhóm với thương hiệu Tuấn Lài Áo Dài Hannah; Chuyên chụp ảnh doanh nhân, sơ sinh, thôi nôi và gia đình với thương hiệu Tuấn Lài Suri studio.

PV: Thưa chị, để thành công như ngày hôm nay, chị có nguyên tắc quan điểm gì trong cuộc sống?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Thực ra, để có được thành công như ngày hôm nay, tôi luôn quan niệm hai từ “trách nhiệm và lòng tự trọng”. Vì trách nhiệm mà mình hoàn thành nhiệm vụ và vì lòng tự trọng mà mình làm thật tốt hơn những gì mình nói với khách hàng. Khách hàng đến với Tuấn Lài vì sự tin yêu và đặt niềm tin tuyệt đối dành cho đơn vị chúng tôi. Tôi may mắn được ơn trên tặng cho cái duyên của nghề, rồi mình phải trau dồi học tập mới có được ngày hôm nay.

PV: Được biết chị luôn là người luôn chia sẻ vì cộng đồng?

Doanh nhân Lương Thị Lài: Thực ra, tôi cũng như rất nhiều chị em doanh nghiệp Quảng Bình luôn hiểu và chia sẻ tình cảm với những mảnh đời còn khó khăn. Tôi nghĩ, mình may mắn hơn, mình chia sẻ, nhường cơm sẻ áo... một chút cũng làm ấm lòng những mảnh đời khó khăn hơn mình.

Đời phải hiểu thế nào hai từ “cho đi và nhận lại”. Tôi cũng như bao doanh nghiệp của Quảng Bình hiểu thế nào là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, để chia sẻ và có trách nhiệm cùng cộng đồng.

PV: Xin cám ơn chị!

Đinh Thanh Loan