Cụ thể, tại công văn số 8457/BGTVT của Bộ GTVT gửi UBND TP. HCM và UBND 4 tỉnh đó là, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An về việc triển khai Dự án đường vành đai 4 TP. HCM có các nội dung như: “Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường vành đai 4, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nội dung yêu cầu tại văn bản số 5393/VPCPCN ngày 6/8/2021, của Văn phòng Chính phủ; đồng thời chủ động, khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP. HCM đảm bảo khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thủ tục triển khai ngay…
Tuyến đường vành đai 4 TP. HCM đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An với tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).
Đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP. HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP. HCM.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu sắp xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định; xác định tim tuyến đường vành đai 4 và các nút giao kết nối theo quy hoạch, giải pháp khai thác quỹ đất; rà soát, xác định quy mô đường vành đai 4 (giai đoạn phân kỳ đầu tư), đường gom (đường song hành), các chi tiết kỹ thuật có liên quan để phát huy hiệu quả đường vành đai 4.
Các địa phương cũng được đề nghị tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch và triển khai các dự án công nghiệp, thương mại, đô thị, dân cư hai bên đường để khai thác có hiệu quả đường vành đai 4 và tạo nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước; chủ động hình thành bộ máy điều hành, quản lý dự án.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ GTVT đã có văn bản số 7928/BGTVT-ĐTCT ngày 4/8/2021, về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường vành đai 4 TP. HCM.
Đường vành đai 4 TP. HCM nằm trong danh mục dự án quan trọng quốc gia và ưu tiên đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nghiên cứu đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM theo phương thức PPP trong giai đoạn 2021 - 2025; khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để tạo nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước.
Theo quy hoạch, Dự án vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng.