Bất động sản 6 tháng cuối năm: TP.HCM và Hà Nội trái ngược nhau về nguồn cung, cần minh bạch hoá thị trường môi giới

Cao Tuấn

04/07/2022 18:10

Tại hội thảo “Giải pháp khơi thông dòng vốn Kinh tế - Tài chính – Bất động sản”, đã đưa ra nhiều đánh giá về tình hình thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022. Nhiều nhận định thị trường BĐS TP.HCM sẽ có sự sụt giảm về nguồn cung căn hộ, nhưng giá bán vẫn tăng. Còn ở Hà Nội thuộc về sân chơi bất động sản thấp tầng…

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Đất Xanh Services, 6 tháng cuối năm, tại thị trường Hà Nội, sự xuất hiện các dự án căn hộ siêu sang trong 2021 cùng với sự gia tăng chi phí đầu vào đã khiến mặt bằng giá căn hộ tại đây giữ xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2022. Nguồn cung 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến chủ yếu thuộc phân khúc Nhà thấp tầng tại khu Tây.

Đối với khu vực lân cận Hà Nội, dự kiến nguồn cung thời gian tới Nhà thấp tầng vẫn là sản phẩm chủ đạo.

Còn tại TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, nguồn căn hộ dự kiến giảm so với 6 tháng đầu năm, tập trung triển khai ở các khu đô thị tại khu Đông và các dự án quy mô nhỏ tại khu Tây - Bắc. Giá bán dự kiến tăng trưởng từ 5% - 10%/năm trong thời gian tới. Thị trường có nguồn cung thấp, giá bán cao nên thanh khoản đang hạn chế. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn. 

290245806-585638563072795-7361453560365417674-n-1656932534.jpeg
Bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ mang nhiều hình thái khác nhau.

Các tỉnh lân cận TP.HCM, nguồn cung trong 6 tháng cuối năm dự kiến chủ yếu đến từ thị trường Bình Dương và Long An ở các khu vực ven Khu công nghiệp, khu vực có quy hoạch nâng cấp, mở rộng hạ tầng. Tiến độ cơ sở hạ tầng tại các địa phương được thúc đẩy, các công trình giao thông được khởi công xây dựng là đòn bẩy phát triển thị trường BĐS. Tuy nhiên, dự báo số lượng dự án mới trong thời gian tới tại khu vực không tăng trưởng mạnh do chính sách siết quản lý BĐS.

Theo Đất Xanh Services, miền Trung đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư khi hạ tầng được chú trọng đầu tư với các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển. Khách du lịch tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch cũng tạo đà cho thị trường BĐS miền Trung tăng tốc. Cùng với đó, thị trường cũng gia tăng tốc độ phát triển khi các khó khăn về pháp lý BĐS du lịch được tháo gỡ.

Tại miền Tây, nguồn cung nhà liền thổ dự kiến chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới. Việc các khu công nghiệp được chú trọng quy hoạch và thu hút đầu tư tại các tỉnh miền Tây, sẽ đưa thị trường BĐS công nghiệp nơi đây phát triển mạnh, tạo đà tăng trưởng cho BĐS nhà ở. Tuy nhiên, số dự án mới dự báo không tăng trưởng nhiều do các chính sách siết quản lý BĐS.

Cần minh bạch

Chia sẻ tại sự kiện, ông Tô Bá Lâm, Giám đốc Điều hành iHouzz Platform nhận định, mặc dù được đánh giá là vô cùng tiềm năng nhưng thị trường môi giới thứ cấp vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho đội ngũ môi giới cũng như cơ quan quản lý.

Các thông tin về sản phẩm BĐS cũng như thông tin mua bán giao dịch BĐS hiện nay còn nhiều vấn đề chưa minh bạch. Chẳng hạn giá trị giao dịch BĐS được ghi nhận trên giấy tờ pháp lý thấp hơn giá trị thực tế theo thoả thuận giữa người mua và người bán, việc thanh toán phí môi giới được thực hiện qua các kênh không chính thống nên Công ty BĐS không ghi nhận doanh thu và nhân viên môi giới BĐS không ghi nhận thu nhập…

117811585-3549122441766454-6824816955451220700-n-1656932375.jpg
 

Sự thiếu minh bạch trong thị trường môi giới thứ cấp gây ra nhiều hệ lụy cho cả cơ quan nhà nước, người môi giới và cả khách hàng. Nhà nước sẽ bị thất thu thuế: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Môi giới gặp khó khăn trong việc bán hàng do thiếu kỹ năng và thông tin, đó là chưa kể rủi ro bị cắt phí hoa hồng khi người mua và người bán giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, khách hàng (gồm cả người mua và người bán BĐS) tốn nhiều thời gian và công sức trong việc mua và bán BĐS.

Để lành mạnh hóa thị trường môi giới thứ cấp, nhiều biện pháp đã được chính phủ đề ra. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 18-NQ/TW giúp hoàn thiện cơ chế xác định giá BĐS, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Hay Nghị quyết số 16/2022/NĐ-CP quy định môi giới phải có chứng chỉ hành nghề và đơn vị kinh doanh dịch vụ BĐS phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Tất cả những quy định này phần nào đã góp phần giúp thị trường môi giới thứ cấp minh bạch hơn. Tuy nhiên, để tất cả các khâu vận hành trơn tru, thống nhất với nhau, rất cần một nền tảng BĐS có thể liên kết các dịch vụ bổ trợ xung quanh giao dịch mua – bán BĐS thứ cấp.

291896104-726732111897183-7225482619759242908-n-1656932509.jpeg
 

“Việc sử dụng các nền tảng BĐS để liên kết các dịch vụ bổ trợ là hướng đi tất yếu giúp minh bạch hóa thị trường BĐS và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho tất cả các bên: khách hàng, nhân viên môi giới và nhà nước”, ông Tô Bá Lâm nhận định.

Cao Tuấn