Đối tác Nhật Bản mua 35,09% cổ phần của GEC
Công ty cổ phần điện Gia Lai (GEC, mã chứng khoán GEG) là thành viên của Tập đoàn TTC do đại gia Đặng Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trải qua 33 năm hình thành và phát triển từ 1 doanh nghiệp Nhà nước chỉ 1,2 MW Thủy điện, GEC đã cổ phần hóa, phát triển trở thành Doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động thuần về Năng lượng tái tạo. Các danh mục của công ty khá đa dạng loại hình từ Thủy điện, Điện Mặt trời, Điện Gió. Tính tới cuối năm 2021, tổng danh mục của GEG là gần 700 MWp.
GEG hiện đang sở hữu 12 Nhà máy Thủy điện, tập trung tại 3 Khu vực Gia Lai, Lâm Đồng, Huế với tổng công suất 81 MW, vận hành 5 Nhà máy Điện Mặt trời Mặt đất và hệ thống Áp mái với tổng công suất 292 MWp. Mục tiêu của công ty là trở thành đơn vị tiên phong trong phát triển Năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Mới đây, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản JERA đã mua lại 35,09% cổ phần GEC từ International Finance Corp. và Armstrong Asset Management. Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.
Phía TTC cho biết, công ty và các cổ đông của GEG sẽ tài trợ 30% cho khoản đầu tư 1 tỷ USD để nâng công suất năng lượng tái tạo lên hơn 2.000 MW. Và JERA sẽ là tập đoàn giúp cung cấp công nghệ và chuyên môn khi Tập đoàn TTC và GEG thực hiện kế hoạch này.
Tính tới thời điểm ngày 30/6/2022, GEG có các cổ đông lớn gồm AVH Pte, Ltd sở hữu 20,76% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Thành Thành Công sở hữu 17,8% vốn điều lệ; International Finance Corporation sở hữu 13,74% vốn điều lệ; CTCP Xuất Nhập khẩu Bến Tre sở hữu 7,66% vốn điều lệ; CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà sở hữu 7,18% vốn điều lệ; CTCP Hàng tiêu dùng Biên Hoà sở hữu 5,28% vốn điều lệ; Công ty TNHH Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai sở hữu 2,9% vốn điều lệ; và còn lại 24,68% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông khác.
Mới đây, CTCP Đầu tư Thành Thành Công đăng ký bán 3.243.233 cổ phiếu GEG để giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,8% về còn 16,79% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 16/8 - 14/9/2022.
GEC làm ăn ra sao?
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, doanh thu thuần hợp nhất của công ty là 1.076 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 93% doanh thu được đến từ mảng bán điện, còn lại là doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Mức doanh thu này tăng mạnh so với những năm trước. Tại năm 2019, doanh thu cả năm của công ty là 1.159 tỷ đồng, lên mức 1.493 tỷ đồng trong năm 2020 và 1.381 tỷ đồng 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, GEG ghi nhận lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ đồng và 212 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đặt ra trong năm 2022 lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng thì trong 6 tháng đầu năm công ty cũng đã hoàn thành 57% mục tiêu.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ vay ghi nhận 7.204 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay dài hạn từ ngân hàng, chiếm 57% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể khi giảm 4% so với đầu năm. Tổng tài sản của GEG đạt 12.673 tỷ đồng.
Gần đây, GEG cũng đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành hơn 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 1.000:94. Giá phát hành dự kiến là 14.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong 2022.
Nếu hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của GEG sẽ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng. Số tiền tối đa thu được từ đợt huy động vốn là 425 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1.
Tập đoàn TTC - Công ty mẹ của GEC "khủng" cỡ nào?
Tiền thân của Tập đoàn TTC là cơ sở sản xuất cồn được thành lập bởi hai nhà sáng lập vợ chồng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Khi thành lập năm 1979, công ty có vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1998, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH TM - SX Thành Thành Công, ưu tiên phát triển hệ thống phân phối trải rộng cả nước, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh… Đây chính là bước đệm giúp để công ty tham gia đầu tư vào các lĩnh vực mới đầy tiềm năng như: Mía đường, ngân hàng, bất động sản, du lịch.
Năm 2001 và 2006, TTC tăng vốn điều lệ lên lần lượt là 25 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Đến 2010, vốn điều lệ công ty chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Đến 2011, Tập đoàn TTC chính thức được thành lập, vốn điều lệ tăng hơn 3.000 tỷ đồng với 6 đơn vị thành viên: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), Đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Thành Ngọc. Năm 2013, số công ty thành viên đã lên đến con số 19. Đến 2014, có thêm 3 công ty liên kết và công ty hạt nhân Đầu tư Thành Thành Công.
Năm 2016, TTC bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo mô hình Tổng Công ty ngành: Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Du lịch. Quy mô Tập đoàn TTC năm 2017: 1 công ty hạt nhân, 4 Tổng công ty Ngành, 1 Ủy ban Ngành với hơn 150 đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước, trên 10.000 cán bộ nhân viên.
Kết thúc năm 2021, vốn điều lệ toàn Tập đoàn đạt 20.269 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt 25.480 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 80.349 tỷ đồng; Doanh thu thuần đạt 33.774 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế đạt 1.898 tỷ đồng và Tổng mức đóng góp ngân sách nhà nước đạt 1.006 tỷ đồng.