Bà Phạm Thị Nụ- người đàn bà thép, hậu phương cực kỳ vững chắc của ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Tiểu Mạn

12/04/2023 11:44

Tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Phạm Thị Nụ không chỉ là một người phụ nữ đảm đang mà bà còn là một cánh tay đắc lực của ông Trần Quí Thanh, bà cũng là một phần linh hồn không thể thiếu của Tân Hiệp Phát. Hầu như, từng ngóc ngách trong văn phòng hay công xưởng bà Nụ đều có thể nắm rõ trong bàn tay.

xuc-dong-voi-chuyen-doi-ba-pham-thi-nu-nguoi-dan-ba-thep-hau-phuong-cuc-ky-vung-chac-cua-ong-chu-tap-doan-tan-hiep-phat-1681228617.jpeg
Vợ chồng bà Phạm Thị Nụ

Chỉ một ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương, công ty Tân Hiệp Phát đã công bố Tổng Giám đốc mới. Theo đó, ông Riddle David Charles, 73 tuổi, quốc tịch Anh sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Tân Hiệp Phát. Vậy ai là người đã ký quyết định bổ nhiệm trong khi cả 3 người chủ chốt đã bị bắt? Đó phải chăng là bà Phạm Thị Nụ - vợ của ông Trần Quí Thanh, một người "mạnh mẽ vô song nhưng luôn âm thầm đứng đằng sau.

Bóng dáng của một người phụ nữ luôn nằm sau lưng của một người đàn ông thành công. Quả thật như vậy, sự thành công ngày hôm nay mà ông chủ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có được luôn có bóng dáng của người vợ quyền lực đằng sau. Người phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ cùng ông Trần Quí Thanh đương đầu với mọi thử thách ấy không ai khác chính là bà Phạm Thị Nụ.

Bà Phạm Thị Nụ là vợ của Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh, gia đình bà Nụ theo đạo Công giáo nên từ nhỏ bà cũng theo đạo, bà sinh ra ở tỉnh Hải Dương, di cư vào Nam sau 1954. Lúc mới vào Sài Gòn, cả nhà bà sống trong căn nhà nằm trên đường Vũ Tùng, mà thời đó họ gọi là khu Lò heo mới, gần chợ Bà Chiểu ngày nay.

Ngay từ năm 12 tuổi, bà Nụ đã biết làm dáng, thích nổi bật trong đám đông và rất thích được mọi người khen đẹp. Sau này bà vẫn thường dạy các con mình: “Luôn cẩn trọng, trau chuốt cho hình ảnh của mình cũng chính là tôn trọng người khác”.

Bà Nụ từng là cô gái đẹp từ trong “trứng nước”. Từ khi còn nhỏ, bà đã học cách sống tự lập, học cách mạnh mẽ để tự bảo vệ bản thân, tự tay kiếm tiền để không cần lệ thuộc vào bất kỳ ai. Bà cho rằng nếu từ khu Lò heo mà có thể thành công thì đó là một người đặc biệt có phẩm giá.

Năm 1979, bà Phạm Thị Nụ cùng ông Trần Quí Thanh chính thức nên duyên chồng vợ. Tuy nhiên, ngay sau khi tuần trăng mật, đôi vợ chồng trẻ khi đó đã gặp phải tình thế khó khăn. Vì ba chồng của bà Nụ đã giao lại toàn bộ tài sản cho người con nuôi, cũng chỉ vì quá tin người. Hai vợ chồng bà Nụ chỉ được nhận 1 cái giường, 2 cái chén, 2 đôi đũa cùng 1 cái đi văng cũ. Tài sản còn lại bị chở từ Nơ Trang Long qua hết Phú Nhuận.

Đứng trước tình cảnh đó ông Thanh như chết lặng, nhưng bà Nụ lại xem như không có gì còn khuyên chồng mình nên bớt giận. Với bà bao nhiêu đó vật dụng bà có thể sống được, “em tin anh sẽ làm ra được tất cả” đó là câu mà bà Nụ đã tạo nên động lực cho ông Thanh sau này.

Những năm ấy cũng là thời gian đất nước đang gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam. Lúc này bà Nụ cũng bắt đầu có bầu, sự khác biệt của bà có lẽ cũng chính là lúc này, bà không hề ở nhà nghỉ ngơi dưỡng thai, mà bà mang bụng bầu lớn hằng ngày chạy lên núi Bà Đen - Tây Ninh buôn bán “đường”, nhiều khi quá mệt bà ngã cả xuống mương xỉu, nhưng rồi tỉnh lại bà lại tiếp tục bán buôn. Những lúc này bà không dám kể với ông Thanh vì sợ chồng sẽ không cho mình tiếp tục bán hàng nữa.

xuc-dong-voi-chuyen-doi-ba-pham-thi-nu-nguoi-dan-ba-thep-hau-phuong-cuc-ky-vung-chac-cua-ong-chu-tap-doan-tan-hiep-phat-2-1681228701.jpeg
Giây phút ông Trần Quí Thanh âu yếm phu nhân

Sau này khi đã sinh con bà Nụ lại bắt đầu bận rộn theo đúng nghĩa người phụ nữ nội trợ, từng miếng ăn giấc ngủ, dạy dỗ chăm sóc đều một tay bà quán xuyến hết thảy. Cũng trong năm 1994, khi Tân Hiệp Phát bắt đầu thành lập, tần suất làm việc của ông Thanh lại càng bận hơn. Theo bà Nụ kể ông Thanh chưa từng có thời gian chơi đùa hay ẵm bồng một đứa con nào, những lúc vui nhất ông Thanh cũng chỉ hôn lên trán, bẹo má một chút. Còn lại mọi thứ đều một tay bà Nụ lo.

Bà Phạm Thị Nụ có thể nói là một người rất đảm đang, ngoài việc chăm sóc làm bạn với các con, bà còn là một người chăm chồng khá kỹ, từ những cái áo ông Thanh mặc mỗi ngày hay đến những món ngon tự nấu ngồi đợi ông Thanh về. Những ngày thành lập ông Thanh thường có rất nhiều buổi xã giao hợp tác, uống nhiều đến xỉn mới về nhà, lúc này bà lại ân cần chăm sóc để ông không bị đau đầu hay đau dạ dày. Suốt một thời gian dài, ông Trần Quí Thanh chưa từng thấy bà than vãn.

Bà chấp nhận đứng sau làm chỗ dựa vững chắc cho ông Thanh, gánh vác gia đình để ông Thanh có thể “vươn ra biển lớn”. Bà Nụ luôn cùng ông đồng cam cộng khổ, đồng hành chia sẻ dù là lúc thất bại hay khi thành công.

Lần khó khăn nhất mà Tân Hiệp Phát đối mặt là vào năm 2014, khi công ty gặp rắc liên quan đến Ngân hàng Xây dựng, công ty đã bị mất cả nghìn tỷ trong vụ đại án của Phạm Công Danh, bà Nụ chỉ nói với ông Thanh một câu “ba tụi nhỏ đừng buồn, rồi mình sẽ làm lại”. Một câu nói đã tiếp thêm niềm tin cho ông Thanh. 

xuc-dong-voi-chuyen-doi-ba-pham-thi-nu-nguoi-dan-ba-thep-hau-phuong-cuc-ky-vung-chac-cua-ong-chu-tap-doan-tan-hiep-phat-4-1681228701.jpeg
Bà Phạm Thị Nụ là một phần linh hồn không thể thiếu của Tân Hiệp Phát

Bà Nụ không chỉ là một người phụ nữ đảm đang mà bà còn là một cánh tay đắc lực của ông Thanh, cũng là một phần linh hồn không thể thiếu của Tân Hiệp Phát. Hầu như, từng ngóc ngách trong văn phòng hay công xưởng bà đều có thể nắm rõ trong bàn tay. Nhân viên gặp bất kỳ vấn đề khó khăn nào bà cũng nhiệt tình chia sẻ, giải quyết.

Hầu như, tất cả nhân viên của Tân Hiệp Phát đều biết, trong việc giỏi dùng người, hay những nghiên cứu tâm huyết, điều hành doanh nghiệp đó là việc của ông Thanh. Nhưng đến khi sản phẩm đã thành thì lại là công việc của bà Nụ, bà sẽ dùng những chính sách đặc biệt, ưu đãi với những khách hàng, những món quà mà khách hàng nhận được đều do bà Nụ chuẩn bị bằng cả trái tim. Nhân viên của Tân Hiệp Phát mỗi dịp Tết đều nhận được hàng nghìn lọ mắm do bà Nụ chuẩn bị, chế độ lương thưởng cho nhân viên cũng được bà đặc biệt để tâm. Cái tên gọi “chị Nụ” luôn được mọi người trong công ty ưu ái dành cho bà.

Không có mô tả.

Một trong những trang sách nói về bà Phạm Thị Nụ do Trần Uyên Phương viết

Tuy nhiên, họa vô đơn chí cũng trong năm 2014, khi Tập đoàn đối mặt với khủng hoảng bà Nụ lại đột ngột bị bệnh, bà bị liệt phải nằm một chỗ cứ ngỡ sẽ không bao giờ đứng được nữa, nếu có phẫu thuật thành công bà cũng chỉ có thể dựa vào xe lăn và gậy chống. Chưa bao giờ bà Nụ cảm thấy bất lực như vậy nhưng lúc này ông Thanh lại làm bà cực kỳ cảm động và cảm thấy may mắn vì đời này bà đã chọn đúng người đàn ông của mình.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng khi phải giải quyết những rắc rối trên công ty nhưng đúng 17h30 là ông Thanh bỏ lại hàng trăm văn kiện, cuộc họp sau cánh cửa phòng bệnh để vào chăm sóc, trò chuyện làm chỗ dựa cho bà Nụ, cũng nhờ vào tình yêu của ông Thanh cùng với sự kiên cường từ bản thân mà bệnh của bà bắt đầu có dấu hiệu bình phục.

Mới đây nhất, bà đã cùng chồng con xuất hiện trước truyền thông đại chúng với một gương mặt đầy nụ cười sau cơn bão bệnh. Có thể thấy bà có một cuộc sống hạnh phúc trong những năm tháng qua.

xuc-dong-voi-chuyen-doi-ba-pham-thi-nu-nguoi-dan-ba-thep-hau-phuong-cuc-ky-vung-chac-cua-ong-chu-tap-doan-tan-hiep-phat-1-1681228701.jpeg
Vợ chồng bà Phạm Thị Nụ và hai con gái Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương

Bà Nụ luôn tôn trọng quyết định của chồng trong kinh doanh, bà chưa bao giờ tự cảm thấy mình là người quan trọng nhất rồi ỷ thói làm càn. Trong con đường kinh doanh đầy những biến động rủi ro bà sẵn sàng chấp nhận và kiên quyết đồng hành cùng chồng mình.

Nhưng cũng chính cái “quyền lực mềm” ấy đã khiến cho Chủ tịch Tân Hiệp Phát hiểu rõ trách nhiệm của mình không chỉ đối với công ty mà còn đối với gia đình và người phụ nữ luôn bên cạnh mình. Trên mỗi chặng đường của ông Thanh luôn có sự xuất hiện của vợ. Bà luôn hết lòng ủng hộ quyết định của chồng dù sẽ thành công hay gặp thất bại.

Có thể thấy rằng bà Nụ là một người đàn bà thép mạnh mẽ, không có gì có thể cản bước bà nhưng lại luôn âm thầm đứng sau làm hậu phương vững chắc cho chồng và các con. Là một phụ nữ thông minh khi hiểu được lúc nào nên thể hiện cá tính, lúc nào thì cần ẩn nó vào trong cái bóng của chồng, biết tiến biết lùi đúng thời điểm.

Ông Thanh từng chia sẻ với các con của mình “Yếu tố má tụi con xinh đẹp không phải lý do chính ba lấy má, mà vì đã sớm biết đó là cô gái nhẹ nhàng ý tứ, tháo vát trong chuyện làm ăn, sống có trách nhiệm, không ăn chơi đua đòi”.

Đến cuối năm 2022, Tân Hiệp Phát đang có vốn điều lệ là 276 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Quí Thanh đang giữ chức vụ Chủ tịch Tân Hiệp Phát nhưng không giữ bất kỳ một cổ phần nào của công ty. Toàn bộ cổ phần được ông Thanh chia cho vợ và 2 cô con gái. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 54,493% vốn điều lệ, khoảng 150,4 tỷ đồng. Tiếp đến là con gái bà Nụ đang nắm giữ chức vị Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương nắm giữ 29,384% vốn điều lệ, khoảng 81,1 tỷ đồng và cô con gái còn lại của bà Nụ đang giữ chức vị Giám đốc Trần Ngọc Bích nắm giữ 16,123% vốn điều lệ, khoảng 44,5 tỷ đồng.

Tiểu Mạn