Áp dụng AI để nâng cao hiệu quả camera giám sát hành trình

PV

19/12/2022 13:13

Sau gần một năm thực hiện Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021, hệ thống camera giám sát hành trình đã khẳng định được hiệu quả với việc quản lý của cơ quan chức năng cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hệ thống camera giám sát sẽ tăng cường hiệu quả hơn nữa nhờ hỗ trợ ra quyết định xử lý một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Lợi ích từ camera giám sát hành trình
Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020), trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

camera-1-1671437446.png

Khoảng 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 15/11/2022, toàn quốc đã có khoảng 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam trên tổng số khoảng 205.000 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (đạt hơn 95%). Thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát, các cơ quan chức năng đã kịp thời tố giác, phanh phui rất nhiều vụ việc được xã hội quan tâm như: sàm sỡ trên xe buýt, hành hung, cướp giật…. góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên mỗi chuyến xe.
Không chỉ giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác giám sát, những “mắt thần” này còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính các doanh nghiệp vận tải. Hình ảnh trích xuất từ camera giám sát trên xe trở thành cơ sở để dễ dàng xử lý vi phạm, giảm thiểu tới mức thấp nhất xung đột khi va chạm giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. 
Sau gần một năm thực hiện Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn các tỉnh, thành phố của cả nước đã tự giác thực hiện nghiêm túc. Đại diện một Công ty vận tải tại Thanh Hoá cho biết công ty đã chủ động lắp đặt camera giám sát hành trình đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021 sau khi sở GTVT tỉnh yêu cầu. Qua hệ thống camera, doanh nghiệp có thể giám sát được thái độ của lái xe, việc thực hiện quy định về an toàn giao thông, thắt dây an toàn, nghe điện thoại... trong khi điều khiển phương tiện. Camera giám sát cũng giúp ích rất nhiều trong những vụ việc như va chạm giao thông, hành khách để quên đồ trên xe. Đại diện của nhiều doanh nghiệp khác cũng nhận xét sau khi lắp đặt camera giám sát hành trình, các lái xe cũng ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy của công ty khi tham gia giao thông trên đường.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo cho hệ thống camera giám sát hành trình
Với số lượng khoảng 200.000 phương tiện lắp đặt camera, khối lượng hình ảnh truyền về rất lớn nên để đảm bảo tối ưu công tác quản lý Nhà nước và quản lý hoạt động của doanh nghiệp, Cục ĐBVN đã phối hợp với các đơn vị công nghệ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc đưa ra cảnh báo và thống kê các trường hợp có nghi ngờ vi phạm của lái xe trên cơ sở dữ liệu hình ảnh được truyền về hệ thống.

camera-2-1671437446.jpg

Áp dụng trí tuệ nhân tạo giúp xử lý, ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Ngày 19/10/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các Sở GTVT đánh giá về giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Trong đó, có cả những nội dung về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống camera giám sát hành trình. 
Không chỉ dừng lại ở công tác hậu kiểm khi xảy ra các sự cố, phục vụ cho công tác điều tra, trong bản đánh giá, hệ thống đang thử nghiệm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm chủ động phát hiện tình trạng hình ảnh không đạt chất lượng, lái xe sử dụng điện thoại, không đeo khẩu trang, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện gây nguy hiểm cho hành khách, người tham gia giao thông cũng như chính lái - phụ xe.
Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng giúp cán bộ các Sở GTVT tiết kiệm thời gian khai thác, không phải vào từng hình ảnh để xem có vi phạm hay không. Nhờ đó, việc phát hiện các hình ảnh có nghi ngờ vi phạm sẽ nhanh và chính xác hơn giúp đưa ra quyết định xử lý một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Đây được đánh giá là bước thay đổi quan trọng hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý, đảm bảo an toàn, giữ vững an ninh trật tự trên xe, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
 

PV