6 tỉ phú giàu nhất Việt Nam gia tăng khối tài sản khủng trong năm 2021

Vũ Hoàng

26/12/2021 08:59

Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, tổng tài sản 6 tỉ phú giàu nhất Việt Nam tính đến ngày 23/12/2021 lên tới 19,5 tỉ USD. Trong đó, có những tỉ phú nâng tài sản lên gấp 2 lần chỉ sau chưa đầy 2 năm.

ty-phu-viet-nam-1640483435.png
Đến nay, tổng tài sản 6 tỉ phú Việt Nam đã đạt gần 20 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với số liệu Forbes công bố đầu năm.

 

Theo bảng xếp hạng đầu năm 2021 của Forbes về tài sản của các tỷ phú trên thế giới thì Việt Nam có 6 đại diện gồm các ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup, 7,3 tỷ USD); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet, 2,8 tỷ USD), Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát, 2,2 tỷ USD); Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank, 1,6 tỷ USD), Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco, 1,6 tỷ USD) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan, 1,2 tỷ USD).

Ở thời điểm đầu năm, tổng tài sản của 6 tỷ phú này đạt 16,7 tỷ USD.

Còn theo thống kê của Forbes ngày 23/12/2021, tổng tài sản của 6 tỷ phú nói trên là 19,6 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD. 

Cụ thể như sau: Phạm Nhật Vượng (7,4 tỷ USD); Nguyễn Thị Phương Thảo (2,5 tỷ USD), Trần Đình Long (3 tỷ USD); Hồ Hùng Anh (2,6 tỷ USD), Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Nguyễn Đăng Quang (2,2 tỷ USD).

Như vậy so với đầu năm, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam - chỉ tăng 100 triệu USD, nâng quy mô tổng tài sản lên 7,4 tỷ USD.

Mặc dù là tỷ phú có tài sản gia tăng chỉ 100 triệu USD, nhưng ông Phạm Nhật Vượng lại được Forbes vinh danh là Nhà từ thiện hào phóng tại châu Á năm 2021 (Heroes Of Philanthropy). Danh sách này có sự góp mặt của 15 tỷ phú, doanh nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - những người có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện trong năm qua.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup của Việt Nam là một trong 15 người được Forbes vinh danh trong danh sách Heroes Of Philanthropy Châu Á năm 2021. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng có mặt trong Top 15.

Theo Forbes, đa số nhân vật trong danh sách năm nay là những tên tuổi mới. Tuy nhiên, tạp chí này cũng đưa vào danh sách một số người được vinh danh trước đó nếu họ đạt được một cột mốc quan trọng trong quá trình làm từ thiện của mình.

“Một ví dụ là người đàn ông giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng. Tỷ phú này tiếp tục có những đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu tác động của Covid-19 tại quê nhà. Kể từ năm ngoái, ông đã trao hơn 320 triệu USD để hỗ trợ cho công việc phòng dịch của Việt Nam”, Forbes viết.

Có tài sản gia tăng 800 triệu USD so với đầu năm, ông Trần Đình Long chủ tịch Hòa Phát với tài sản 3 tỷ USD tái xuất trong bảng xếp hạng tỷ phú Việt Nam của Forbes sau lần đầu năm 2018 với vị trí thứ hai.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát nằm trong nhóm bluechip dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu và giữa năm. Nhờ kết quả kinh doanh tăng đột biến, cổ phiếu của Hòa Phát trở thành tâm điểm chú ý. Mã này tăng từ ngưỡng 31.000 đồng lên hơn 55.000 đồng vào đầu tháng 6, tiếp tục tiến gần 60.000 đồng khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Kết quả này giúp tài sản của ông Long có thời điểm tiến gần ngưỡng 4 tỷ USD.

Dù vậy, khi giá thép dần bình ổn, kỳ vọng mức tăng trưởng đột biến như nửa đầu năm khó duy trì, cổ phiếu thép nói chung và HPG nói riêng bắt đầu điều chỉnh. Nhịp giảm trong hai tháng gần đây, với HPG mất gần 25% thị giá, khiến mức tăng tài sản của ông Long trong năm 2021 bị thu hẹp.

Tuy xếp vị trí sau ông ông Trần Đình Long, nhưng năm nay tỷ phú Hồ Hùng Anh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đều có khối tài sản tăng thêm 1 tỷ USD, nếu xét về mức độ tăng tài sản, là đứng đầu trong 6 tỷ phú. Tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, chủ yếu liên quan đến TCB, tăng hơn 60% so với đầu năm. Techcombank là ngân hàng tư nhân trong top đầu thị trường, đứng ngang hàng về lợi nhuận với Vietcombank. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của nhà băng này đạt gần 17.100 tỷ đồng, với lợi thế vốn rẻ duy trì nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm gần phân nửa.

Còn tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, chủ yếu liên quan đến MSN, tăng hơn 80%. Cổ phiếu MSN của Masan tính tới cuối phiên 23/12 gấp đôi so với đầu năm. Những mảng kinh doanh quan trọng của Masan không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, thậm chí bán lẻ còn tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách. Nửa tháng gần đây, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng cổ phiếu MSN do dự phóng hoạt động của các mảng kinh doanh cốt lõi như hàng tiêu dùng, bán lẻ, vật liệu công nghệ cao tiếp tục khả quan.

Tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco là người có tài sản vẫn đứng yên theo thống kê của Forbes. Đầu năm 1,6 tỷ  USD và cuối năm vẫn vậy. Ông Trần Bá Dương và gia đình được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD.

Công ty Ôtô Trường Hải do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt. Hiện ông Dương đang nắm giữ khối tài sản lên đến 1,6 tỷ USD. So với thời điểm tháng 2.2020, tài sản của tỉ phú này đã giảm khoảng 100 triệu USD.

Trong số 6 tỷ phú USD của Việt Nam, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo là người duy nhất giảm tài sản. Tài sản của bà Thảo, theo Forbes, giảm từ 2,8 tỷ USD xuống 2,5 tỷ USD. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục giáng đòn mạnh lên ngành hàng không, khiến cổ phiếu VJC của Hãng hàng không của bà Thảo cũng không nằm ngoài xu hướng. Mã này so với đầu năm giảm gần 1%, trong khi VN-Index tăng hơn 30%.

Mặc dù không lọt vào danh sách tỷ phú USD theo thống kê và xếp hạng của Forbes, nhưng tính theo giá trị cổ phiếu, có một số tỷ phú ở Việt Nam cũng cần điểm qua. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Công ty Địa ốc Nova (NVL) với giá trị tài sản lên mức 34.900 tỷ đồng. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, Phó Tổng giám đốc KienLongBank với tổng trị giá 34.770 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với tài sản trị giá 27.864 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch LienVietPostBank (22.451 tỷ đồng), và bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup (17.844 tỷ đồng).

Vũ Hoàng