5G Huawei thất thế tại một số quốc gia

caodung

06/07/2020 16:23

Trái ngược với vị trí dẫn đầu thế giới về 5G hồi đầu năm, Huawei đang nhanh chóng mất đi các hợp đồng lắp đặt mạng viễn thông thế hệ mới quan trọng tại một số quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du châu Âu tháng Hai 2019, đã đưa ra hai lựa chọn cho các đồng minh: Từ chối Huawei lắp đặt hệ thống mạng viễn thông để tiếp tục nhận bảo hộ an ninh từ Mỹ, hoặc chào đón công nghệ Trung Quốc để rồi chịu rủi ro mất đi thông tin tình báo và có thể cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước mình.

Các quan chức châu Âu bị sốc khi ông Pompeo đột ngột đưa vấn đề 5G ra để thử lòng trung thành của các đồng minh.

Trước đó, hầu hết các nước đồng minh của Mỹ chỉ coi việc xây dựng mạng 5G đơn thuần là quyết định chọn nhà thầu. Các nước đã nghe Mỹ cảnh báo rằng lắp đặt thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong hệ thống viễn thông sẽ mở đường cho Bắc Kinh đặt chân vào “cửa sau” để các cơ quan tình báo Trung Quốc đọc được, bóp méo và làm gián đoạn thông tin. Tuy nhiên, mối lo ngại an ninh này không được xem trọng. Chưa có bằng chứng cụ thể, hay ít nhất là công khai nào, chứng tỏ Trung Quốc dùng Huawei vào các mục đích bất chính.

Tối hậu thư tháng 2.2019 của ông Pompeo thất bại. Đến đầu năm 2020, duy nhất chỉ có Úc chính thức tuyên bố cấm sử dụng thiết bị của Huawei, mặc dù New Zealand và Nhật Bản cũng âm thầm từ bỏ mua hàng từ công ty này. Anh lờ đi cảnh báo của Mỹ khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố quyết định cho phép Huawei xây dựng một số phần trong hệ thống viễn thông quốc gia. Đức có vẻ sắp sửa còn Ấn Độ thì gần như chắc chắn, theo chân nước Anh, mở đường cho Huawei vào nước mình. Tháng Hai 2020, Huawei tuyên bố có được 91 hợp đồng 5G, vượt qua Ericssons (Thụy Điển) trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị viễn thông thế hệ mới.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, tình hình dường như đổi chiều với những dấu hiệu bất lợi cho hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Một loạt các quốc gia đã loại Huawei khỏi danh sách nhà cung cấp hạ tầng 5G, một xu hướng mà ông Pompeo vui mừng mô tả như "sự bừng tỉnh xuyên Đại Tây Dương trước sự thật về những gì đang diễn ra" với các vấn đề của Trung Quốc, trong đó có Huawei. Có vẻ các nỗ lực thuyết phục không ngừng nghỉ của cá nhân Ngoại trưởng Mỹ và các biện pháp cứng rắn của Bộ Thương mại Mỹ, cắt bỏ Huawei khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn, cuối cùng cũng phát huy tác dụng.

Lựa chọn của nhà mạng

Ba nhà mạng lớn nhất của Singapore là SingTel, StarHub và MobileOne tuyên bố chọn Ericsson và Nokia (Phần Lan) là nhà cung cấp thiết bị chính cho mạng 5G nước này. Ngày 24.6.2020, chính phủ Singapore đã chính thức cấp giấy phép lắp đặt 5G toàn quốc cho ba nhà mạng trên triển khai 5G từ tháng Một 2021, hướng đến phủ sóng toàn bộ quốc đảo này trước cuối năm 2025. “Quy trình của chúng tôi không bỏ qua nhà cung cấp nào”, theo ông S. Iswaran, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore. Ông nhấn mạnh rằng trọng tâm của việc chọn lựa là an ninh, độ bền và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh rằng quyết định chọn các nhà cung cấp Bắc Âu không phải là sự từ chối với hãng công nghệ Huawei.

StarHub, hãng viễn thông lớn thứ hai của Singapore cho biết vẫn sử dụng các thiết bị do Huawei sản xuất, chỉ không phải trong hạ tầng cốt lõi như trạm thu phát sóng (base station). TPG Telecom, hãng viễn thông Úc, vốn có đối tác là Huawei dù không được cấp giấy phép toàn quốc như ba nhà mạng trên, vẫn được phép triển khai 5G ở một số khu vực và địa điểm. Tuy nhiên, Huawei đã chính thức mất thị phần lớn tại quốc gia châu Á coi 5G là động lực chính thúc đẩy kinh tế quốc gia này.

Tại Canada, kể từ khi vào thị trường năm 2008, Huawei đã đạt được các bước phát triển mạnh mẽ. Huawei là nhà cung cấp lớn thứ ba cho Telus, một trong ba hãng viễn thông lớn nhất Canada, đồng thời hợp tác với Telus trong một dự án thí điểm 5G năm 2017. Huawei cũng hợp tác với Bell Canada trong một dự án thí điểm “Internet vạn vật” (Internet of Things). Huawei cũng tài trợ cho các trường đại học hàng đầu Canada thực hiện những nghiên cứu giúp công ty có được nhiều bằng sáng chế và có hơn một nghìn nhân viên tại Canada (tính đến tháng 12.2019). Tuy nhiên, Canada là thành viên trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand. Chính phủ Mỹ không ngừng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cấm Huawei tại Canada, thậm chí còn đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo nếu nước này tiếp tục hợp tác với Huawei.

Chính phủ Canada phải tiến hành một cuộc đánh giá an ninh quốc gia để xem xét liệu Canada có nên noi gương các nước trong liên minh về việc cấm cửa Huawei. Khi chưa có quyết định cuối cùng, các công ty viễn thông lớn của Canada bao gồm Bell, Telus và Rogers Communications tháng Sáu vừa rồi đã thông báo chọn Ericsons và Nokia làm nhà cung cấp thiết bị mạng 5G, dù không đề cập đến Huawei. Quyết định của các nhà mạng khiến lựa chọn của chính phủ với vấn đề Huawei dễ dàng hơn. “Niềm tin với Trung Quốc đã mất”, theo Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc (2012-2016). Ông St-Jacques từng tin rằng có cách để Huawei tham gia vào mạng 5G Canada mà vẫn đảm bảo an ninh, tuy nhiên, sau khi xem xét số liệu dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc, ông tin chắc rằng hãng công nghệ Trung Quốc cần bị cấm khỏi dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Quyết định của chính phủ

Khủng hoảng xung đột biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đã bắt đầu lan sang thương mại song phương. Năm 2019, Huawei được Ấn Độ “chào đón nồng nhiệt”, khi được tham gia thử nghiệm mạng 5G ở nước này. Tuy nhiên, sau cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Huawei bất ngờ bị cuốn vào số các doanh nghiệp Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Ấn Độ. Các hãng viễn thông do chính phủ Trung Quốc sở hữu được lệnh không được sử dụng các thiết bị của Huawei để nâng cấp hạ tầng 4G hoặc thiết lập thử nghiệm 5G.

“Huawei có thể bị cuốn vào căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tinh thần dân tộc đã củng cố quan điểm rằng chúng tôi sẽ không sử dụng thiết bị nào của Trung Quốc”, theo Chaitanya Giri, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất của Ấn Độ cũng không thể hoạt động mà không có thiết bị viễn thông và sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc. Việc Huawei có nắm bắt được thị trường gần 1,4 tỉ dân với sự nhu cầu tăng mạnh về điện thoại di động của Ấn Độ hay không, vẫn còn phải chờ đợi câu trả lời.

Bên cạnh Ấn Độ, Anh cũng là quốc gia thay đổi quyết định về 5G. Ngày 4.7, tờ Telegraph của Anh đưa tin Thủ tướng Boris Johnson sắp sửa loại bỏ vai trò của Huawei trong dự án xây dựng mạng 5G nước này, bất chấp sự cho phép hạn chế hồi đầu năm. Quyết định đảo ngược này sẽ khiến các nhà mạng ở Anh mất đến 1,9 tỉ USD chi phí thay thế, theo công ty nghiên cứu thị trường Enders Analysis. Ngành viễn thông nước này cũng được cảnh báo lệnh cấm Huawei ngay lập tức sẽ khiến việc triển khai toàn diện 5G bị chậm trễ tiến độ hai năm, vì các nhà mạng phải tái lập lại kế hoạch và ký hợp đồng cung ứng mới. Tuy nhiên, sự hiện diện của Huawei có khả năng sẽ giảm dần, đi đến chấm dứt hoàn toàn vào năm 2023.

Victor Zhang, một phó chủ tịch của Huawei hồi tháng Năm cho biết Huawei sẵn lòng thảo luận với Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh về “bất kỳ mối lo ngại nào và hy vọng tiếp tục mối quan hệ hợp tác thân thiết trong mười năm vừa qua”. Các chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không dễ để chính phủ Anh đảo ngược quyết định về Huawei mà không dùng tới biện pháp trừng phạt nào, đặc biệt khi các quốc gia châu Âu khác đang cân nhắc xây dựng mạng 5G của mình.

Cao Dung

caodung
Bạn đang đọc bài viết "5G Huawei thất thế tại một số quốc gia" tại chuyên mục Công nghệ.