Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu khiến cho công nghệ ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và kinh doanh trực tuyến bùng nổ. Việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới trở nên hết sức cần thiết để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, làm việc từ xa, đảm bảo an ninh, an toàn trên mạng.
Dưới đây là một số xu hướng công nghệ mới đáng chú ý trong năm 2021:
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn tiếp tục là một trong những xu hướng công nghệ mới. AI được biết đến với tính ưu việt trong nhận dạng hình ảnh và giọng nói, ứng dụng điều hướng, trợ lý cá nhân trên điện thoại thông minh, ứng dụng chia sẻ chuyến đi... Ngoài ra, AI còn được sử dụng để phát hiện các dạng thay đổi của hành vi khách hàng, phân tích các tương tác nhằm xác định các kết nối và thông tin, giúp dự đoán nhu cầu đối với các dịch vụ như y tế, giáo dục...
Dự báo, thị trường AI sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp 190 tỷ USD vào năm 2025 với chi tiêu toàn cầu cho các hệ thống AI đạt hơn 57 tỷ USD vào năm 2021.
2. Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)
Giống như AI, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) là việc sử dụng phần mềm để tự động hóa các quy trình kinh doanh như thông dịch ứng dụng, xử lý giao dịch, xử lý dữ liệu, và thậm chí trả lời cả email. RPA tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại. Theo ước tính của Forrester Research, tự động hóa RPA sẽ đe dọa sinh kế của 230 triệu lao động tri thức, tương đương khoảng 9% lực lượng lao động toàn cầu, song RPA cũng đang tạo ra nhiều việc làm mới trong khi thay đổi các công việc hiện có.
3. Điện toán biên (Edge Computing)
Điện toán biên (Edge Computing) được thiết kế để giúp giải quyết một số vấn đề do độ trễ của điện toán đám mây gây ra và đưa dữ liệu đến trung tâm dữ liệu để xử lý. Điện toán biên có thể hoạt động giống như các trung tâm dữ liệu nhỏ. Điện toán biên gia tăng khi việc sử dụng các thiết bị Internet vạn vật (IoT) tăng lên. Dự báo, đến năm 2022, thị trường điện toán biên toàn cầu có thể đạt con số 6,72 tỷ USD.
4. Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)
Xu hướng công nghệ đặc biệt tiếp theo là thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Mặc dù xu hướng công nghệ này chủ yếu được sử dụng để chơi game nhưng đến nay nó cũng được sử dụng để đào tạo, chẳng hạn như với VirtualShip - phần mềm mô phỏng được sử dụng để đào tạo các thuyền trưởng tàu Hải quân, Lục quân và Cảnh sát biển Hoa Kỳ. AR và VR có tiềm năng to lớn trong đào tạo, giải trí, giáo dục, tiếp thị, và thậm chí là phục hồi chức năng sau chấn thương.
5. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)
Công nghệ blockchain liên quan đến tiền điện tử, trong đó có Bitcoin. Blockchain cung cấp sự bảo mật hữu ích, do đó, với blockchain, bạn không cần một bên thứ ba đáng tin cậy để giám sát hoặc xác thực các giao dịch.
Phải mất một thời gian dài để công nghệ chuỗi khối thu hút được được sự chú ý. Nhưng khi thế giới ngày càng tin tưởng vào các thuật toán dựa trên công nghệ này, đã đến lúc để blockchain tỏa sáng. Song, việc triển khai blockchain quy mô lớn vẫn chưa hoàn toàn thành công trên thế giới, nhưng xu hướng số hóa gia tăng và sự thâm nhập sâu hơn của công nghệ tài chính (Fintech) sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn để blockchain được áp dụng trong các chuỗi cung ứng đơn giản.
6. Internet vạn vật (IoT)
Một xu hướng công nghệ mới đầy hứa hẹn nữa là Inetnet vạn vật (IoT). IoT cho phép các thiết bị, thiết bị gia dụng, ô tô và nhiều thứ khác được kết nối và trao đổi dữ liệu qua Internet. Với công nghệ này, bạn có thể khóa cửa từ xa nếu quên khóa cửa trước lúc đi làm và làm nóng lò nướng trên đường đi làm về. Dự báo, đến năm 2030, khoảng 50 tỷ thiết bị IoT sẽ được sử dụng trên khắp thế giới, tạo ra một mạng lưới thiết bị kết nối khổng lồ, từ điện thoại thông minh đến thiết bị nhà bếp. Chi tiêu toàn cầu cho IoT được dự báo sẽ đạt 1.1000 tỷ USD vào năm 2022.
7. Công nghệ 5G
Xu hướng công nghệ tiếp theo sau IoT là 5G. Khi công nghệ 3G và 4G cho phép bạn lướt web, sử dụng các dịch vụ theo hướng dữ liệu, băng thông rộng để phát trực tuyến trên Spotify hoặc YouTube,..., thì các dịch vụ 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng cho phép các dịch vụ dựa trên các công nghệ tiên tiến như AR và VR, cùng với các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây như Google Stadia và NVidia GeForce Now. Hiện, các công ty viễn thông như Verizon, Tmobile, Apple, Nokia Corp, QualComm, đang tạo ra các ứng dụng 5G và dự kiến sẽ ra mắt trên toàn thế giới vào năm 2021 với hơn 50 nhà khai thác cung cấp dịch vụ tại khoảng 30 quốc gia vào cuối năm nay.
8. An ninh mạng (Cyber Security)
Việc con người sử dụng ngày càng nhiều các công cụ công nghệ đang bộc lộ những lỗ hổng bảo mật của mạng Internet và của cả những ứng dụng. Những điểm yếu này có thể đe dọa quyền riêng tư của người dùng cá nhân và bảo mật thông tin đối với các doanh nghiệp.
Ước tính của công ty nghiên cứu và tư vấn bảo mật Cybersecurity Ventures, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra dự kiến có thể lên tới 6.000 tỷ USD vào năm 2021.
Mối đe dọa an ninh mạng gia tăng cùng với nhận thức cao hơn của người dùng về vấn đề bảo mật sẽ làm tăng sự tập trung vào vấn đề bảo mật trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, với khả năng kết nối Internet trở nên phổ biến và rộng rãi hơn, nhu cầu về an ninh mạng sẽ mở rộng từ doanh nghiệp sang cả các cá nhân.
Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có số lượng người sử dụng Internet cao nhất, cũng thuộc nhóm những nước có số cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến và phần mềm độc hại cao hàng đầu. An ninh mạng không chỉ giới hạn ở việc đánh cắp dữ liệu, lừa đảo tài chính mà còn là an ninh quốc gia. Do vậy, nhiều Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng các chính sách an ninh mạng mới để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng khả năng ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng./.