Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho mọi chiến lược

Dương Tống - CEO HomeNext Corp

30/03/2023 08:35

Nếu xem hành trình tiến đến thành công của doanh nghiệp là một chặng leo núi và bản thân trong vai trò là “trưởng đoàn”, tôi nghĩ rằng việc cung cấp trang thiết bị, kỹ thuật cho đồng đội là yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Để họ có thể giữ được sức bền lên đến đỉnh núi và thật sự tận hưởng hành trình, tôi phải tạo ra sự gắn kết và niềm hứng khởi cho đồng đội.

Peter Drucker – nhà tư vấn quản trị hàng đầu thế giới đã nói rằng: “Culture eats strategy for breakfast” (tạm dịch với ngụ ý: văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho mọi chiến lược). Nhận thức được điều này từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho startup của mình bằng cách đặt bản thân vào vị trí của một nhân viên và tự hỏi xem mình mong muốn những gì từ công ty. 

Từ đó, tôi chọn theo đuổi các giá trị cốt lõi như sau: quan tâm, học hỏi không ngừng, khiêm tốn và ưu tiên phụ nữ. Đồng thời, chúng tôi công bố những “culture code” – bộ kim chỉ nam hướng dẫn về văn hóa doanh nghiệp và đào tạo cho đội ngũ bằng những câu chuyện, những ví dụ trực quan, sinh động, cụ thể để giúp họ hiểu và có những hành động tương ứng.

Việc nhất quán giữa lời nói và hành động của lãnh đạo, của đội ngũ rất quan trọng trong việc thể hiện sự chính trực của doanh nghiệp ấy. Song, những giá trị cốt lõi này cần phải phù hợp với quan điểm, tính cách và hoài bão của cá nhân người lãnh đạo. Vì nếu không, lãnh đạo sẽ không thể nào nuôi dưỡng và phát triển những giá trị tốt đẹp này tại doanh nghiệp của họ và ánh xạ được lên đội ngũ. 

Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là hệ thống các giá trị chi phối mọi hoạt động kinh doanh và tạo nên bản sắc riêng cho từng doanh nghiệp.

Hiểu một cách nôm na, một gia đình có gia phong (văn hóa, lối sống và cách giáo dục) tốt sẽ tạo ra những cá nhân ưu việt. Và một văn hóa doanh nghiệp (company culture) tiến bộ sẽ tạo ra những nhân sự tài năng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tuyệt vời cung cấp cho thị trường và lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội. 

xây dựng văn hoá doanh nghiệp là nền tảng cho mọi chiến lược

Tôi cho rằng, văn hóa doanh nghiệp nên được nhận thức và xây dựng ngay từ khi có kế hoạch thành lập doanh nghiệp. Vì nếu đợi đến khi doanh nghiệp đã tồn tại được một thời gian, với những niềm tin, thói quen, cách thức vận hành nhất định thì sẽ rất khó để thay đổi. Đồng thời, mâu thuẫn giữa những điều đã tồn tại với các giá trị mong muốn làm mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính nhất quán trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Bởi đây không chỉ là việc đòi hỏi những phương pháp khoa học, cụ thể mà còn cần sự uyển chuyển, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình thực hiện. Vậy nên, văn hóa doanh nghiệp không nên là những điều áp đặt, những quy tắc cứng nhắc, những tuyên bố sáo rỗng.

Mỗi doanh nghiệp cần làm thế nào đó để biến văn hóa doanh nghiệp trở thành DNA – yếu tố duy trì mọi hoạt động của doanh nghiệp. Và làm thế nào đó để mỗi thành viên có thể trả lời câu hỏi “Điều gì khiến bạn gắn bó với công ty và có cảm hứng làm việc?” một cách tự nhiên nhất, đúng với tinh thần của doanh nghiệp nhất. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điểm cân bằng giữa việc đảm bảo hiệu suất kinh doanh và giữ vững những giá trị nhân văn mà doanh nghiệp đã đề ra. 

Đứng trước những bước tiến nhanh chóng của kỷ nguyên số, đã đến lúc các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs nên tận dụng văn hóa doanh nghiệp như là một công cụ tiếp thị hiệu quả. Văn hóa doanh nghiệp và marketing phải là hai yếu tố song hành, bổ trợ và không thể tách rời nhau. Bởi tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp đầu tư rất mạnh vào việc xây dựng website, các kênh mạng xã hội, tối ưu các trải nghiệm cho khách hàng trên nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, khi khách hàng trực tiếp đến văn phòng công ty, cách ứng xử, thái độ của nhân sự (với nhau và với khách hàng) không tốt sẽ không chỉ làm cho họ cảm thấy hụt hẫng so với kỳ vọng mà còn tác động xấu đến quyết định mua hàng. Có thể nói, marketing trong thời đại 4.0 chính là kể câu chuyện của doanh nghiệp. Và nếu doanh nghiệp không có những câu chuyện tốt đẹp từ những văn hóa tốt đẹp, doanh nghiệp ấy sẽ không có lý do gì đòi hỏi sự yêu mến và tin cậy của khách hàng. 

Tựu trung lại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải là một chiến dịch ngắn hạn (trong vòng vài tháng hay một năm). Đó là cả một quá trình cần được khởi động ngay khi bắt đầu kinh doanh và phải liên tục được hoàn thiện và làm mới. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực của không chỉ những người lãnh đạo mà là của toàn đội ngũ. Nhưng tôi tin rằng, kết quả của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công thì sẽ vô cùng ngọt ngào và xứng đáng.

Dương Tống - CEO HomeNext Corp