Xây dựng đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm

thunguyen

07/09/2019 10:27

Nếu không lấy con người làm trung tâm thì không có thước đo mình phục vụ ai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Toạ đàm Đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dân số thành phố Hồ Chí Minh cứ mỗi nửa thập kỷ lại tăng thêm 1 triệu người, bao gồm tỷ lệ tăng tự nhiên do sinh đẻ, cùng với tăng cơ học do cư dân các tỉnh, thành phố khác chuyển đến. Giải quyết nhu cầu nhà ở cho số lượng cư dân tăng thêm là một bài toán mà thành phố phải đối mặt.

Tại buổi toạ đàm Đô thị thông minh do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức, các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng cần phải xây dựng thành phố Hồ Chí Minh theo xu hướng đô thị thông minh, tối đa hoá lợi ích của người dân, giúp họ sinh sống thuận tiện, hạnh phúc trong không gian của mình.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Toạ đàm Đô thị thông minh do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức ngày 5.9.2019 (Ảnh: Nhà Quản Lý)
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Toạ đàm Đô thị thông minh do Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức ngày 5.9.2019 (Ảnh: Nhà Quản Lý)

Đô thị thông minh trước hết phải xây dựng nhà. Nhưng quan trọng hơn là kết nối giữa con người với con người trong khu đô thị. Muốn vậy, đô thị thông minh phải được thiết kế sao cho các ngôi nhà phải gần nhau, quãng đường cho trẻ em đi học, người lớn làm việc, mua sắm… phải được rút ngắn, tiết kiệm thời gian, dành cho gia đình, hướng tới gia đình - Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cũng vai trò chủ trì buổi toạ đàm, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phát biểu cho rằng đô thị thông minh cần tích hợp nhiều chức năng, thuận tiện cho đời sống thường nhật của người dân.

Thực ra, những ý tưởng đầu tiên về một thành phố nén, khái niệm quy hoạch đô thị trong tình hình cư dân đô thị tăng nhanh chóng, đã xuất hiện trên thế giới từ thập kỷ 70 thế kỷ trước.

Nhà phê bình Jane Jacobs đã xuất bản cuốn sách Cái chết và sự sống tại các thành phố nước Mỹ (năm 1961) đã thay đổi những suy nghĩ lối mòn về quy hoạch đô thị từ trước đó. Bà ủng hộ tính đa dạng của một cộng đồng cư dân, và cho rằng đó là hình thức hoàn hảo của một đô thị, nơi người nghèo, những cộng đồng nhỏ có tiếng nói, không bị lép vế… Bà ủng hộ những con phố đi bộ trong thành phố, những vỉa hè được sử dụng hiệu quả trong việc giao tiếp, kết nối con người với nhau… Một vỉa hè lành mạnh, theo Jacobs, là một vỉa hè nơi đó những con người xa lạ sẽ tự động nhìn vào nhau, bảo vệ nhau, chứ không phải là nơi cần sự có mặt của cảnh sát…. Tất cả những ý tưởng đó, đều dẫn đến một kết quả: thành phố phải nén lại, phải tăng mật độ, đảm bảo sự đa dạng tự nhiên của cộng đồng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu về chuyển đổi số, về công nghệ kết nối 5G, trí tuệ nhân tạo… đã mang đến quy hoạch đô thị những khái niệm mới, và cả những thành tựu mới.

Tập đoàn KT đã giới thiệu trong buổi toạ đàm công nghệ 5G mà tập đoàn này đã ứng dụng thành công tại Hàn Quốc - quốc gia đầu tiên thương mại hoá 5G. Với tốc độ vượt trội, việc kết nối con người với con người, con người với máy móc, và cả máy móc với máy móc trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn bao giờ hết, và gần như không có độ trễ. Giao thông nhờ đó trở nên thông minh, an toàn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Tổ chức đô thị cũng hiệu quả hơn, nhờ quan tâm và phân tích các dữ liệu di chuyển của người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân lo ngại xu thế giảm tỷ lệ sinh tại các nước phát triển, dẫn đến việc thu hẹp dân số, gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Lấy Singapore làm ví dụ, ông Nhân cho rằng, mặc dù quy mô kinh tế của quốc đảo bé nhỏ này đứng thứ 37 thế giới, thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người đều nằm trong tốp 10 các nước cao nhất, thì Singapore vẫn đang đối mặt với tình trạng phụ nữ ngại sinh đẻ. “Mỗi phụ nữ Singapore chỉ đẻ từ 1 đến 1,2 đứa con” - trong khi tỷ lệ sinh đủ để duy trì dân số phải là 2,1, đặt Singapore trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong nay mai, ông Nhân nhấn mạnh.

Coi tỷ lệ sinh đẻ được duy trì từ 2 - 2.1 con/phụ nữ tại Việt Nam trong gần hai thập kỷ trở lại đây là một thành tích, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải xây dựng thành phố thông minh, để việc sinh đẻ, nuôi con không còn trở nên quá phiền phức, tốn kém với mỗi gia đình. Hiện tại, tỷ lệ sinh tại Việt Nam đang được duy trì do truyền thống cả đại gia đình chăm sóc một em bé, cùng với hệ thống các nhà trẻ dày đặc, bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… Tuy nhiên, những nhân tố này là chưa đủ, đặc biệt trong tương lai, khu nhu cầu người dân ngày càng được nâng cao cùng với sự cải thiện về kinh tế.

Ông Yang Yoon Jae - cựu phó thị trưởng thành phố Seoul cũng cho rằng tỷ lệ sinh thấp tại nước này là hậu quả của việc phát triển kinh tế, đô thị hoá quá nhanh trong thời gian qua. Do đó cần một giải pháp tổng thể, toàn diện để giải quyết vấn đề phát triển đô thị với tầm nhìn dài hạn.

Việc tái phục hồi dòng suối Cheong Gye Cheon sau 35 năm bị san lấp, phục dựng một cảnh quan đô thị đẹp đẽ, môi trường sạch, các chỉ số ổn định,...là một minh chứng cho những quyết tâm của chính quyền thành phố Seoul cách đây gần 20 năm, hướng tới con người, mang lại hiệu quả dài hạn về mặt kinh tế, xã hội.

Linh Anh

thunguyen