VPBank nhận hạn mức tín dụng 150 triệu USD từ JBIC tài trợ dự án năng lượng sạch

Tuệ Phương

10/10/2024 10:10

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) mới đây đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

anh-1-1-1728529699.jpg
Đại diện VPBank và JBIC ký kết hợp đồng tín dụng xanh tại Hà Nội.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng diễn ra tại trụ sở chính của VPBank tại Hà Nội trong ngày 9/10/2024, với sự tham dự của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Ito Naoki, Giám đốc Điều hành Cấp cao của JBIC - ông Ogawa Kazunori, và Tổng Giám đốc VPBank – ông Nguyễn Đức Vinh, cùng nhiều lãnh đạo của hai tổ chức.

JBIC là tổ chức tài chính do Chính phủ Nhật Bản sở hữu với sứ mệnh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thông qua hợp tác với các tổ chức tài chính tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, sử dụng các chương trình và nguồn lực tài chính khác nhau cho các dự án đầu tư hướng tới phát triển bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Chính phủ Việt Nam đã công bố mục tiêu quốc gia đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quy hoạch phát triển điện lực lần thứ tám (PDP 8) của Chính phủ, được công bố vào năm 2023, trở thành một trong những mắt xích quan trọng định hướng hoạt động sản xuất điện chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thách sang các nguồn năng lược tái tạo. Việt Nam, theo đó, sẽ đẩy nhanh hoạt động phát triển hệ thống điện thông minh, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, nâng cấp và xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện hiện đại…

Phù hợp với định hướng của cả 2 chính phủ, khoản vay trung và dài hạn 150 triệu USD do JBIC cấp cho VPBank, dự kiến sẽ được giải ngân cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp và dự án hoạt động trong lĩnh vực phát triển lưới điện, kinh doanh năng lượng tái tạo, có tác động tích cực tới việc bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước. 

anh-2-1728529709.jpg
VPBank tích cực tham gia vào hoạt động hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050 thông qua các khoản vay xanh.

Khoản vay tín chấp nói trên nằm trong khuôn khổ khái niệm AZEC – Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0 (Asia Zero Emissions Community) do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng trong nỗ lực trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế phù hợp với hoàn cảnh mỗi quốc gia. Khoản vay đồng thời tương thích với chương trình JETP – Đối tác chuyển đổi năng lượng chính đáng (Just Energy Transition Partnership) được Việt Nam và các quốc gia đối tác bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ thống nhất vào năm 2022.

Hợp tác giữa VPBank và JBIC là cột mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự tin tưởng của các định chế tài quốc tế đối với hoạt động của các ngân hàng nội nói chung và của VPBank nói riêng. Bên cạnh đó, cái bắt tay của hai tổ chức tài chính còn góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực trải dài từ kinh tế, tài chính, đầu tư, công nghiệp… Lũy kế tới cuối tháng 6/2024, Nhật Bản là 1 trong 3 quốc gia có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn nhất của Việt Nam với hơn 76 tỷ USD, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài. 

Trước hạn mức tín dụng được cấp bởi JBIC, VPBank đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, bao gồm cam kết hỗ trợ tài chính 300 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) trong năm 2023, các khoản vay hợp vốn từ các định chế tài chính lớn do đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản) hậu thuẫn với tổng giá trị lên tới gần 1.7 tỷ USD, và trước đó trong năm 2022 là khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính danh tiếng là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Trong nhiều năm qua, VPBank luôn là một trong những ngân hàng dẫn đầu thị trường trong các đóng góp về môi trường, xã hội và khí hậu tại Việt Nam, thông qua việc xây dựng và hành động theo một chiến lược phát triển tài chính bền vững nhất quán và nhận thức rõ ràng về các nguyên tắc cho vay có trách nhiệm.

Tuệ Phương