Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5/2024, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư.
Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế tới ngày 20/5/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,6 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư).
Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản vẫn tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia. Nhiều chủ đầu tư không thể tiếp tục gồng gánh chi phí, đối mặt với nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản”, họ phải bán tài sản, bán dự án, bán doanh nghiệp từng phần để tái cơ cấu nợ và bộ máy hoạt động. Theo đó, bối cảnh này là điều kiện lý tưởng để khối ngoại thực hiện M&A dự án dễ hơn và với mức giá “mềm” hơn.
Phân tích của các chuyên gia lĩnh vực tài chính bất động sản cho thấy, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, mặc dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư chuyên môn quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, các giao dịch tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nhiều khía cạnh.
"Mặc dù việc hoàn thành các giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn có thể gặp thách thức, nhưng chắc chắn nhu cầu vẫn ở đó. Với việc dành nhiều thời gian để hợp tác với các nhà đầu tư và người bán loại hình bất động sản này tại Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ vững sự lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam" - ông Matthew Powell nhận định.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản cả nước đang từng bước hồi phục và chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới. Do đó, đây sẽ là thị trường tiềm năng để nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên thủ tục hành chính, pháp lý vẫn đang là rào cản lớn đối với dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản.
“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là bước giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ được những “nút thắt” về mặt pháp lý, thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới, ông Đính nhận định.