Vietnam Airlines thoát án huỷ niêm yết nhờ thoái toàn bộ 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air

Vân Anh

31/05/2022 15:50

Với khoản lỗ luỹ kế hơn 1 tỷ USD, Vietnam Airlines đã giải quyết nguy cơ bị buộc huỷ niêm yết bằng cách thoái bộ 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air, hãng hàng không được thành lập vào năm 2009 dưới sự hợp tác của Vietnam Airlines và Chính phủ Hoàng gia Cambodia.

mb11-1653986966.jpg
Chú thích ảnh

Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HSX: HVN) ngày 27/05 đã công bố hoàn tất việc chuyển nhượng 35% cổ phần của Tổng công ty tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần. Sau khi chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021 của Vietnam Airlines cho thấy ngày 03/01 và ngày 29/03 năm nay, công ty đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ các nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của công ty tại K6, cùng với khoản đặt cọc 1 triệu USD vào năm 2019. Số tiền 35 triệu USD cũng tương ứng với 35% cổ phần K6.

Dù sang năm 2022 mới nhận được tiền, nhưng hoạt động chuyển nhượng lại diễn ra từ năm ngoái. Vậy nên báo cáo tài chính của Vietnam Airlines không còn ghi nhận K6 là công ty liên kết, và chỉ đề cập doanh thu từ hoạt động tài chính có đóng góp hơn 647,7 tỷ đồng từ lãi chuyển nhượng vốn góp.

Khoản tiền trên đã giúp Vietnam Airlines giảm lỗ trong năm 2021 và vốn chủ sở hữu vẫn lớn hơn 0, nhờ vậy thoát khỏi nguy cơ bị huỷ niêm yết do thua lỗ nhiều năm do dịch bệnh.

Hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia có nhiều dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm nay do mở cửa kinh tế trở lại. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh lại đang cản trở việc gia tăng nguồn thu của công ty.

3 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý 2-2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không. 

Dù vậy, giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí khác, hãng ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 2.621 tỷ đồng – đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines.

Mức này cũng nâng tổng lỗ luỹ kế của công ty lên đến hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), đẩy HVN rơi vào tình trạng bị huỷ niêm yết trên HSX theo quy định. Hiện tại, HVN đang được giao dịch ở mức 18.400 đồng/cp.

Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã không chấp thuận công văn xin lùi thời điểm báo cáo tài chính Quý I/2022 của Vietnam Airlines.

Về triển vọng kinh doanh của công ty trong những tháng còn lại của năm, nhiều người trong ngành cho biết giá nhiên liệu tăng đột biến do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động của Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không nói chung.

Trong phiên giao dịch ngày 30/05, giá dầu thô đã tăng lên 121 USD/thùng, lập đỉnh trong 2 tháng khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các lệnh phong toả ở các thành phố khi số ca nhiễm COVID-19 giảm, cũng như EU đang đi đến giai đoạn cuối cùng của việc cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Dầu thô Brent giao tháng 7 đã tăng 2,24 USD, tương đương 1.9% lên 121,67 USD/thùng. Dầu WTI giao sau tăng 1,99 USD, tương đương 1.7% lên 117.06 USD/thùng.

Trước đà tăng cũng giá dầu thô, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng theo. Cụ thể, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu như xăng E5 RON92 là 29.633 đồng/lít; xăng RON95 là 30.657 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 25.553 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn là đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 20.598 đồng/kg.

Vân Anh