Thành phố London có 8,7 triệu dân nhưng người ở ngay quận trung tâm không nhiều, các khu Whitehall, Westminster, City of London...đều là dinh thự, văn phòng và trung tâm tài chính, ngân hàng, cứ đến cuối tuần là vắng người Anh, chỉ có du khách đi lại náo nhiệt.
Thể thao và các bữa tiệc cuối tuần
Trên thực tế, các quận ngoài trung tâm London là đất cũ của những hạt (tương đương tỉnh) đã có truyền thống văn hoá Anh lâu đời. Surrey, Sussex, Herefordshire, Essex, Kent đều từng có cư dân làm nghề nông, trồng cây trái, nuôi ngựa, đánh bắt thuỷ sản (trên sông Thames và ngoài biển), cũng như các nghề thủ công, làm bia, nấu rượu, gò rèn... Sau thời kỳ công nghiệp hoá (ở Anh là thế kỷ 16), các quận ngoại ô London giảm nghề nông đi mà trở thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ. Đất đai có giá vì nhu cầu nhà ở và luật quy định về Vành Đai Xanh giữ nguyên rừng, bãi biển, đồng cỏ, sông suối không được phá hoại.
Nếu như nội đô London và các quận phía Đông có nhiều người nhập cư, thì chính các quận ngoại ô mới là nơi còn chất Anh thuần tuý. Trong tiếng Anh có từ “home county” để chỉ các địa hạt này, nói lên niềm tự hào và thân thuộc, chứ không phải là “nhà quê” theo nghĩa nghèo khổ, lạc hậu. Các home county là nơi ở và sinh hoạt của cả giới trí thức, kinh doanh ở London. Họ đi tàu vào Central London đi làm trong tuần, nhưng cuối tuần thì về nhà có vườn ở quận ngoại thành nghỉ ngơi, đi nhà thờ, chơi cricket, tennis, bowling, goft và ăn dùng bữa trong các quán bia ở thị trấn hoặc trong làng.
Một thị trấn ở ngoại ô London là quần thể các ngôi nhà vườn, có một ga xe lửa nối với thủ đô, một hai công viên rộng có sân tennis hoặc cricket, hai ba siêu thị và các nhà thờ Tin Lành, Công giáo, Pentecostal hoặc đạo khác, các trường tiểu học và hai ba thị trấn thì có một trường trung học.
Vườn nhà to nhỏ còn tuỳ giá tiền, nhưng ở vùng Kent, được mệnh danh là khu vườn nước Anh, đất khá rộng nên nhà ba tầng có vườn chừng 200 m2 không phải là hiếm. Trong vườn luôn có bãi cỏ, một sân nhỏ, một nhà kho để chứa máy cắt cỏ, dụng cụ làm vườn. Vườn nhà ở Anh chỉ trồng hoa và các loại cây leo, đôi khi người ta trồng một cây mận hoặc anh đào lấy hoa chứ không để ăn trái. Làm vườn là cách nghỉ ngơi rất tốt và một lối sống có hàng triệu tín đồ. Các chương trình dạy làm vườn trên truyền hình luôn đông khách xem, với Alan Titchmarsh, Rachel de Thame là những tên tuổi được ngưỡng mộ.
Phải nhắc là các khu vực bán đồ làm vườn, siêu thị làm vườn có ở khắp mọi nơi, muốn mua đất trộn sẵn cho loại hoa bạn muốn, thậm chí cần cả thảm cỏ đã xanh tươi chỉ việc mua về đặt xuống nền vườn hay hoa mọc tốt um trong chậu thì cứ việc ra B&Q, HomeBase hay Wickes bê về. Nhờ thế làm vườn không khó, vợ chồng con cái đều cùng nhau làm được, chỉ cần chăm chỉ. Cảnh làm vườn là bố cắt cỏ, mẹ tỉa hoa, bọn trẻ con lăng xăng dọn mấy cọng lá cho vào bao. Đến khi cả túi to đã đầy cỏ và cành cây, thêm ít đất cần vứt thì cho vào xe chở đến điểm nhận rác làm vườn để chính quyền địa phương xử lý chứ không tự động vứt bừa bãi.
Home county ở Anh có vị trí về văn hoá như những làng giàu truyền thống Nho giáo ở Bắc Bộ và Trung Bộ của Việt Nam thời xưa. Như đã nói ở trên, những hạt ngoại ô và ngoại tỉnh, các “shires” mới là nơi sản sinh ra các văn sỹ, nhà thơ, hoạ sỹ Anh. Này nhé, Charles Dickens, Joseph Conrad ở Kent, Percy Shelley, Oscar Wilde, JRR Tolkien, Lewis Carroll ở Oxford, hoạ sỹ JMW Turner từng sống ở Berkshire, nhạc sỹ Edward Elgar sống ở Worcestershire...ngày nay nhóm Chiltern Writers vẫn hoạt động ở Buckinghamshire, còn cứ mùa thu đến lại có Guildford Book Festival ở Surrey, phía Nam London. Là vùng quê nhưng Tunbridge Wells (118 nghìn dân) có hai nhà hát, Trinity và Assembly Hall, diễn cả kịch Hy Lạp và kịch hiện đại.
Không những thế, cricket và tennis cũng sinh ra ở những county của Anh. Trận cricket thuộc loại sớm nhất trong lịch sử thế giới nói tiếng Anh diễn ra khi hai đội của Hampshire và Kent thi đấu năm 1646. Còn ở Bexley Village, cách London chừng 25 km, Bexley Lawn Tennis, Squash and Racketball Club là câu lạc bộ lâu đời thứ ba trên thế giới vẫn nằm ở địa điểm ban đầu, từ 1880.
Tất nhiên nói đến Anh thì không thể bỏ qua bóng đá. Thành phố nào có vài chục nghìn dân là có câu lạc bộ riêng và người bình dân địa phương luôn trung thành ủng hộ đội nhà chứ không nhất thiết là người hâm mộ của các đội trong giải đấu chuyên nghiệp, trừ khi họ sống tại chính khu Chelsea, Arsenal, West Ham...ở London hay tại Manchester, Liverpool. Cứ mỗi sáng thứ Bảy là sân cỏ trong thành phố, thị trấn luôn có trẻ em, thanh thiếu niên đá bóng, cha mẹ trời lạnh thì mang ấm nước, cốc cà phê ra đứng bên lề sân cỏ để cổ vũ.
Cảnh tương tự cũng có ở sân bóng bầu dục, còn cricket hay chơi vào buổi trưa đến tận chiều hoặc sang ngày hôm sau. Một trận cricket giải Test có thể kéo dài hai ngày. Đó là chưa kể những nhóm đơn lẻ đạp xe trên tuyến cycling path qua vùng rừng Weald, ra tận bờ biển Hastings, qua khu dinh thự cũ của Winston Churchill ở Chartwell, tổng cộng hơn 100 km.
Sống ở ngoại ô như thế cũng khá bận. Ngoài thể thao cho người lớn, trẻ em, còn có lễ nhà thờ vào Chủ Nhật, các hội chợ nho nhỏ cho việc từ thiện, và tất nhiên là có bữa tiệc nướng cuối tuần.
Người Anh có truyền thống ăn cá vào thứ Sáu còn thịt bò, cừu bỏ lò, nướng hay gà rán, vịt ăn vào Chủ Nhật. Bữa tiệc nướng cuối tuần được gọi là Sunday Roast, vì các món thịt quay, nướng này được phục vụ cho bữa trưa, sau lễ nhà thờ. Đĩa ăn có thể làm ở nhà hoặc đặt trong quán ăn, quán bia. Đây là món ăn quây quần cả gia đình hoặc đại gia đình, gồm cả trẻ con, cha mẹ, ông bà. Món thịt quay hoặc nướng ăn kèm với một món rau xanh (thường là đậu), rau củ đỏ (cà rốt, cải đỏ) và tất nhiên là có khoai tây bỏ lò và bánh nướng kiểu Anh cùng nước sốt béo ngậy.
Bữa tiệc nướng cuối tuần luôn đi với một vại bia đen đúng truyền thống Anh như IPA (India Pale Ale). Cái tên có chữ Ấn Độ gợi lại một thời Mặt Trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh: đây là loại bia ủ nhiệt độ cao gửi theo tàu biển từ London sang Ấn Độ cho binh lính Anh đồn trú ở bên đó, dần dần thành loại bia thời thượng trong giới sỹ quan rồi lan ra cả nước.
Ngày nay, Anh Quốc đã thay đổi nhiều, chính di dân Ấn Độ lại đem vào Anh các món cà-ri và thịt nấu nồi đất rất thịnh hành trong dân chúng Anh. Giao lưu quốc tế khiến các đô thị lớn như London nay có đủ loại hàng quán, Hoa, Việt, Brazil, Đông Âu, không kể quán Pháp, Ý đã có mặt từ sau Thế Chiến 2. Nhưng các vùng ngoại ô, các home county trên khắp nước Anh vẫn duy trì nếp sống không khác thời xưa. Có thể vì người ta bảo thủ, có thể vì cuộc sống đô thị ồn ào vội vã mà không chất lượng bằng vùng phụ cận nơi môi trường luôn đầy cây xanh, đủ các hoạt động thể thao, giao lưu thôn xóm, cộng đồng địa phương tạo cảm giác cuộc đời bình yên mà vẫn năng động, không hề buồn tẻ.
Những ngày hè
Cuối tháng 6/2019, Anh Quốc có đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ hôm 29/06 lên tới 35 độ C ở một số vùng thuộc xứ Anh.
Tuy nhiên người dân ở vùng phía Nam Anh đã không phải chịu cảnh nóng tới khổ sở như ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan, một phần nhờ khí hậu biển – không điểm nào trên đất Anh cách biển quá 100 km, và một phần nhờ Vành Đai Xanh bao quanh London.
Có thể nói các thế hệ dân Anh hiện nay hưởng bóng mát của cây xanh và có một môi trường gần như đồng quê ngay sát các khu đô thị là nhờ viễn kiến của cha ông họ. Từ năm 1926, Ủy ban Bảo vệ Nông thôn Anh (Committee for Protection of Rural England – CPRE) đã vận động để nước Anh có các vành đai cây xanh được bảo vệ, bảo tồn bao quanh những đô thị lớn. Đến năm 1935 thì vành đai xanh (Green Belt) bắt đầu được khoanh vùng để duy trì quanh London. Tới 1955, vành đai xanh trở thành luật, và hiện nay đã bao phủ 13% diện tích đất ở xứ Anh.
Nếu nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy quả thật có một vành đai cây xanh bao quanh London. Nhưng trên thực tế, đây là một chuỗi 14 khu vực khác nhau, gồm các khu rừng, đồi núi, đồng cỏ nối liền nhau, phủ màu xanh lên khắp nước Anh. Chỉ riêng vành đai xanh của London đã có diện tích 516 nghìn héc-ta, và các vành đai xanh bao quanh nhiều thành phố khác ở miền Trung, miền Bắc Anh, xứ Wales, Scotland...tổng cộng lên tới vài triệu hectare đất rừng, đồi núi.
Mục tiêu của vành đai xanh trên toàn Anh Quốc là để giữ đất, tạo môi trường tự nhiên cho chim thú, côn trùng. Còn cho con người, các vành đai xanh không phải là đất bỏ hoang mà được bảo vệ, kiến tạo thành công viên loại gọi là ‘country park’ nửa vườn, nửa rừng. Trong vành đai xanh cũng có các khu vực giải trí, hồ nước, sông suối để đến chơi, các lối đi bằng đất nện, không đổ bê-tông để người dân đi bộ, đi xe đạp, hoặc vào thăm rừng. Chỉ riêng các tuyến đi bộ ở vùng quanh London là gần 10 nghìn km.
Có thể nói, cuộc sống ngoại ô của London gắn liền với sinh hoạt tại vành đai xanh. Bạn có thể đi xe đạp, đi bộ từ vùng này xuyên sang vùng khác, từ London ra biển hoặc đi dọc sông Thames lên tận Oxfordshire.
Trong các đợt nắng nóng, nhờ cây xanh bóng mát ở các khu nhà vườn có liên hệ mật thiết với cả môi trường xanh to lớn phủ kín các vùng dân cư rộng, nhiệt độ ngoài trời và trên phố giảm đi đáng kể. Ngày cuối tuần, người dân còn có thể vào công viên để nghỉ chơi, hoặc ra hồ, sông suối chơi các môn thể thao nước.
Tất nhiên, để bảo tồn vành đai xanh, luật Anh cấm trồng cấy, xây cất trong khu vực đã được hoạch định. Người ta cho bạn giao lưu với thiên nhiên chứ không được chiếm dụng làm của riêng, không được chặt cây, hái củi, đốt lửa hay làm bất cứ điều gì tổn hại đến thiên nhiên.
Hiển nhiên, nhu cầu xây nhà ở, thiết lập các khu công nghiệp luôn tạo thách thức cho việc bảo tồn vành đai xanh. Các nhóm vận động bảo vệ thiên nhiên luôn phải đấu tranh với chính phủ mỗi khi có dự án xây dựng lớn. Đôi khi họ phải thỏa hiệp: nhu cầu xây đường cao tốc, tuyến xe lửa cao tốc, xây khu chung cư cũng khiến vành đai xanh ở chỗ này có thể bị thu hẹp lại, thì người ta đòi mở rộng, bù vào ở chỗ khác, để làm sao lá phổi của nước Anh không bị giảm diện tích. Cho đến nay, cuộc đấu tranh này xem ra vẫn có phần thắng thuộc về thiên nhiên, và người dân.
Alex Nguyễn