Trở thành đại gia, sở hữu khối tài sản khổng lồ là niềm mơ ước của nhiều người. Đằng sau vỏ bọc đại gia, những người từng được ngưỡng mộ vì sự thành công lại khiến cộng đồng “ngã ngửa” vì cách thức họ kiếm tiền đi ngược lại pháp luật. Chỉ trong vòng một tháng qua, nhiều đại gia máu mặt liên tiếp bị khởi tố, bắt tạm giam do có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế.
Đỗ Thành Nhân, chủ tịch Louis Holdings bị khởi tố, bắt tạm giam vì "vịt trời" hóa "thiên nga" cổ phiếu họ Louis...
Ngày 20/4, Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land), cùng Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB), Lê Thị Thuỳ Liên (nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Chứng khoán Trí Việt) và Trịnh Thị Thuý Linh (Giám đốc điều hành Công ty Louis Holdings) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo nguồn tin điều tra ban đầu, từ 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021 Đỗ Đức Nam đã thông đồng với Đỗ Thành Nhân và một số người sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác.
Việc làm này là "trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng".
Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, trong khoảng hơn nửa năm qua, Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân liên tục thâu tóm thành công BII, TGG, AGM và trở thành cổ đông lớn của một loạt doanh nghiệp khác. Cổ phiếu các đơn vị này đều tăng vọt sau khi Louis Houldings có động thái rót vốn. Hiện tượng cổ phiếu "họ Louis" tăng bằng lần khi có dấu ấn Chủ tịch Đỗ Thành Nhân đã khiến dư luận đặt nghi vấn có việc ‘làm giá’ cổ phiếu ‘họ Louis’.
Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt vì lừa đảo qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 5-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an, ngoài ông Đỗ Anh Dũng cơ quan chức năng cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối 06 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Kết quả điều tra ban đầu đã xác định: trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC trả giá vì "úp sọt" nhà đầu tư nhiều lần...
Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại 21 địa điểm. Ông Quyết bị xác định đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thao túng giá chứng khoán và bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC. Ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỉ đồng. Sự việc ông Quyết bị bắt giam khiến hàng loạt vụ án liên quan đến đại gia Việt bị lật lại.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia thổi giá cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư rồi "úp sọt" bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Theo đó từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết và bà Bùi Hải Huyền - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC- đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này "thông đồng" với nhau để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả. Từ đó khiến giá cổ phiếu được đẩy lên cao.
Nhóm thuộc cấp của ông Trịnh Văn Quyết đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán do ông Quyết điều hành đã đặt mua 77% tổng khối lượng trong cả nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán 94,% trên tổng khối lượng bán của cả nhóm.
Hành vi tạo cung cầu giả này đã "tạo đòn bẩy" giúp giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên giá cao nhất là 24.000 đồng, tăng hơn 64%.
Khi cổ phiếu được đẩy lên giá "trần", chủ tịch Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Quyết lại không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.
Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) lãnh án 30 năm tù, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng
Chiều 15/12/2014, sau hơn 2 tiếng đọc bản án, HĐXX TAND Tối cao tuyên giữ nguyên hình phạt với bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù, trong đó gồm 4 tội danh: 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, 6 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế và 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi rơi vào vòng lao lý, Bầu Kiên là thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên còn là nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thể thao ACB, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, nguyên Phó chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nguyên chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.
Trầm Bê lãnh 7 năm tù
Ngày 14/12/2020, bị tuyên án 3 năm tù, tổng hợp hình phạt là 7 năm tù vì phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông Trầm Bê - phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam và 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng Phương Nam, đã biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn để xuất cho vay, phê duyệt cho vay dẫn đến việc Ngân hàng Phương Nam bị thiệt hại 505 tỉ đồng.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng ông Trầm Bê và thuộc cấp có nhân thân tốt, có cống hiến trong ngành ngân hàng, không tư lợi, tài sản có khả năng thu hồi nên không chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt của viện trưởng Viện KSND TP.HCM.
Ông Trầm Bê. Ảnh: Dân trí
Trước đó, Trầm Bê là một doanh nhân Việt Nam nổi tiếng, có sự nghiệp thành công trong khi vừa chỉ học hết lớp 6. Trong sự nghiệp của mình, ông được biết đến là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Triều An. Ngoài ra, ông còn cùng với gia đình tham gia Hội đồng Quản trị của một số công ty như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và gần nhất là Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Phạm Công Danh lãnh án 30 năm tù
Ngày 24/1/2017, Tòa phúc thẩm giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày ngày 9 tháng 9 năm 2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Phạm Công Danh lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.
Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà bị cáo Phạm Công Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.
Trước đó, ngày 19/7/2016, HĐXX TAND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) chủ mưu.
Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phạm Công Danh đã là Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, nhận tái cấu trúc lại ngân hàng TrustBank khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Hà Văn Thắm lãnh án chung thân
Ngày 28/9/2017, TAND TP Hà Nội đã tuyên án Hà Văn Thắm mức án tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Đến đầu năm 2020, sau 5 năm bị bắt và trong thời gian thụ án, ông tiếp tục bị tuyên án thêm.
Ông Thắm bị bắt với các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Ngày 28/8/2017, TAND TP Hà Nội đưa Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm ra xét xử. Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đã có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng.
Đến ngày 14 /1/2020, khi đang thụ án tù chung thân, Hà Văn Thắm bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên thêm án 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Hà Văn Thắm là chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương cho tới ngày 24 tháng 10 năm 2014. Năm 2012, ông đứng thứ tám trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu trị giá 1800 tỷ đồng. Năm 2014, với tổng tài sản ước lượng trên 1 tỷ USD, ông Thắm được cho là người giàu có thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Đại gia Bất động sản Dương Thị Bạch Diệp lãnh án chung thân
Ngày 19/11/2021, TANd TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm việc hoán đổi giữa căn nhà 57 Cao Thắng với căn nhà 185 Hai Bà Trưng là tài sản của nhà nước, gây thất thoát 186 tỷ đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên mức án "chung thân" đối với nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bà Dương Thị Bạch Diệp (Quy Nhơn, Bình Định) là một trong những nữ đại gia bất động sản có tiếng trong giới. Bà Diệp sỡ hữu nhiều công ty và tài sản nhà đất có giá trị như Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)... nữ đại gia sở hữu Rolls-Royce chính hãng đầu tiên ở Việt Nam.
Đại gia Lê Văn Hướng
Giữa năm 2015, ông Lê Văn Hướng (SN 1976, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật - JVC), bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố bị can về hành vi "lừa dối khách hàng".
Trước khi biến cố xảy ra, ông là một đại gia nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, với tài sản quy đổi lên tới 222 tỷ đồng.
Hình ảnh cựu Chủ tịch JVC, ông Lê Văn Hướng
Sau khi ông Lê Văn Hướng rơi vào vòng lao lý, hoạt động kinh doanh của công ty bị xáo trộn, ban lãnh đạo thay đổi liên tục, nhiều hợp đồng lớn bị ngưng, cổ phiếu bán tháo, ngân hàng xiết nợ, thêm vào đó là hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi bị biến thành những khoản phải thu có nguy cơ không thu hồi được.
Tình hình này khiến JVC báo lỗ tới hơn 700 tỷ trong năm tài chính 2015.
Chủ tịch Dược Viễn Đông - Lê Văn Dũng
Năm 2010, cổ phiếu DVD của Công ty CP Dược phẩm Viễn Đông là một trong những hàng hot trên thị trường và có những chuỗi tăng điểm kéo dài, thanh khoản lớn, được các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm.
Tuy nhiên, sự việc đã nhanh chóng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phơi bày, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Dũng là người chủ mưu cùng một số người khác thao túng cổ phiếu để nhằm thâu tóm Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (DHT).
Đồng thời, ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng lập ra nhiều công ty “ma” cho người thân trong gia đình, bạn bè đứng tên làm lãnh đạo. Thực chất mọi việc do ông Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, làm giả các hợp đồng có giá trị lớn, cung cấp thông tin sai sự thật, doanh thu của DVD... để lừa đảo nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Dũng cũng trực tiếp chỉ đạo việc thao túng làm giá cổ phiếu DVD.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc. Ngoài ông Dũng thì người em trai Lê Văn Mạnh và bà Cao Hồng Vân (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kiêm Kế toán trưởng DVD) cũng bị bắt giữ.
Cuối 2011, ông Lê Văn Dũng bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án 4 năm tù, về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Ông Lê Văn Dũng. |
Trong một số phỏng vấn với người có kinh nghiệm trong ngành tài chính và quản lý tài sản, hỏi về nỗi sợ của đại gia, câu trả lời nhận về nhiều sự đồng tình là “đại gia sợ mất tiền và sợ đi tù”. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của đồng tiền quá lớn.
Liệu rằng những câu chuyện kể trên có ngăn thủ đoạn kiếm tiền bất chấp luật pháp của những người đang trên con đường làm giàu?