Ứng dụng khí mới LNG - nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Hoàng Thảo

30/01/2024 20:57

Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Theo quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện sử dụng than đá trên toàn quốc đã không được xem xét phát triển và được yêu cầu thay thế bằng LNG thân thiện với môi trường.

Chiều 30/1, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”. Chương trình nhằm đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong việc ứng dụng khí sạch LNG vào nhà máy sản xuất điện, khu dân cư, xưởng sản xuất thực phẩm, nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu trong ngành công nghiệp và xây dựng.

chuyen-doi-xanh-nganh-cong-nghiep-pld-1706630146.jpg
Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

“Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển” – ông Hưng khẳng định.

ong-tao-khanh-hung-pld-1706630146.jpg
Ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng.

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam, hiện nay, thị trường sử dụng chủ yếu của khí thiên nhiên sẽ là những nhà máy sản xuất điện, nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy sản xuất điện LNG. Bên cạnh đó, LNG cũng sẽ được sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ...

LNG hiện ứng dụng chính trong 5 lĩnh vực gồm dân dụng và thương mại (nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà); giao thông vận tải (thay thế cho DO & FO); trong công nghiệp (sản xuất thép, xi măng, gốm); trong hóa chất/hóa dầu (sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi…); điện khí/LNG sạch hơn ½ phát thải so với điện than truyền thống, là bước chuyển tiếp từ than sang năng lượng tái tạo.

Cụ thể, trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài.

Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn nhiều so với dầu diesel truyền thống, có nghĩa là ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể mang lại tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu vùng xa, nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.

Trong logistics, vận tải, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn đáng kể ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG cũng có thể yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các tàu truyền thống.

“Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon, tuân thủ các quy định và giảm thiểu tác động môi trường của họ” – TS. Nguyễn Hữu Lương cho biết.

tsnguyen-huu-luong-pld-1706630145.jpg
TS. Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam thiệt thòi vì phát triển sau, các quốc gia trước đó đã xả thải ra rất nhiều và nhờ các năng lượng hóa thạch.

Hậu quả gia tăng phát thải khí nhà kính đó là tăng nhiệt độ trái đất. Từ 2013 đến 2021 tăng 0,20 độ. Sa mạc mở rộng, đất đai xói mòn, nước biển dâng 0,2-0,4m do băng tan. Mực nước biển tăng, ví dụ như biển Đông trong giai đoạn 1993 - 2010 đã tăng 4,5mm/năm. Dự kiến, năm 2050 dâng thêm 30cm. Nếu nước biển dâng 1 mét, 4,4% lãnh thổ Việt Nam ảnh hưởng và 10% dân số ảnh hưởng trực tiếp.

Tỷ trọng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2021 lên mức 1%, rõ ràng trong hơn 30 năm tỷ trọng tăng lên 3 lần, tăng hơn tốc độ trung bình của thế giới. Quy mô GDP của Trung Quốc hơn Việt Nam 48 lần nhưng quy mô phát thải chỉ hơn Việt Nam 25 lần. Theo thống kê 65% từ năng lượng, ngoài ra các ngành công nghiệp, nông nghiệp ví dụ như nuôi bò, trồng lúa gây phát thải khí nhà kính. Đến 2030 dự báo sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 927 triệu tấn C02. Do vậy, việc giảm phát thải phải bắt nguồn từ bản thân mỗi người. Trong đó, có môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính cũng là một khía cạnh của phát triển.

“Thị trường carbon tuân thủ quốc gia, mặc dù đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005; tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa triển khai thị trường carbon tuân thủ trên thực tế. Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thí điểm thị trường carbon tuân thủ quốc gia BTS từ năm 2025, tiến tới triển khai chính thức carbon tuân thủ quốc gia ETS từ năm 2028” – TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

ts-nguyen-tu-anh-pld-1706630146.jpg
TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương.

Bày tỏ quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức và các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII. Trong đó, nổi bật là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG; hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án; cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại, sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.

“Cần thiết có một nghị quyết chuyên đề của quy hoạch để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII; có cơ hội để xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung; có cơ hội để xây dựng mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu điện khi LNG.

Chúng ta lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghiệp, tài chính và kinh nghiệm triển khai; hợp tác quốc tế là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện VIII và quy hoạch năng lượng quốc gia” – TS. Nguyễn Quốc Thập đề xuất.

Hoàng Thảo