Trung tâm thương mại Artemis vẫn vắng vẻ vào 18h30 một ngày trong tuần. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa, thậm chí đóng cửa sớm hơn hàng quán của các chợ truyền thống. Khu vui chơi của trẻ con lẫn người lớn hầu như không có khách. Các nhà hàng cũng chung tình trạng. Kichi Kichi là một trong ít nhà hàng hoạt động tốt ở đây, nhưng lượng khách đông đúc chủ yếu chỉ vào cuối tuần.
Khai trương cách đây hai năm, Artemis là trung tâm thương mại hiếm hoi ở Hà Nội có vị trí hai mặt tiền, hai mặt thoáng, tọa lạc ngay khu vực dân cư đông đúc quận Thanh Xuân – Hà Nội. Artemis dường như hội đủ các điều kiện thuận lợi của một trung tâm thương mại: tầng hầm gửi xe rộng rãi, hiện đại, vị trí thuận lợi, các gian hàng phong phú bao gồm thời trang, ăn uống, rạp chiếu phim CGV hiện đại, cập nhật liên tục các bộ phim bom tấn mới nhất trong nước và quốc tế… Artemis là trung tâm thương mại liền kề với khu chung cư cao cấp với 365 căn hộ có thu nhập từ mức trung lưu trở lên. Các nhãn hàng để được thuê gian hàng ở đây, phải là nhãn hàng cao cấp - một nhân viên kinh doanh của Artemis cho biết, mặc dù diện tích gian hàng trống “vẫn còn nhiều”.
Thói quen mua sắm, tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp vận hành trung tâm thương mại dẫu nhiều kinh nghiệm vẫn không kịp thích nghi.
Những mô hình chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng thời trang, mỹ phẩm như Parkson đã trở nên lỗi thời. Trong khi các trung tâm thương mại Vincom, hay Takashimaya,… vẫn đông đúc với lượng khách có nhiều nhu cầu, từ ăn uống đến vui chơi, mua sắm,… thì Parkson đã phải lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại tại Việt Nam sau hơn một thập kỷ hoạt động.
Trung tâm thương mại Hàng Da (Hà Nội) cũng lập tức chết yểu ngay sau khi hoàn thiện, giờ chủ yếu là nơi tập kết hàng hóa cho các doanh nghiệp nội thất. Rất ít các cửa hàng còn hoạt động với lượng khách vắng vẻ. Tại tầng 2, một loạt hàng nội thất của được bày bán ngập lối đi. Một vài tiệm vàng bạc, thêu tay đều vắng khách. Trao đổi với chủ một cửa hàng vàng bạc, chị cho biết cửa hàng chị vẫn hoạt động bình thường, chủ yếu là online. Cửa hàng thêu tay cũng có câu trả lời tương tự. Chỉ có hai nhân viên ở cửa hàng, cặm cụi với công việc của mình. Họ cũng cho biết, hàng hóa nội thất ở đây vẫn đang được luân phiên chuyển đi các nơi. Ở trung tâm thương mại này, người ta dễ bắt gặp bảo vệ hơn là khách hàng.
Diện tích mặt bằng lớn, vị trí đẹp, đa chức năng,… vẫn chưa đủ để một trung tâm thương mại hoạt động náo nhiệt.
Bán lẻ là ngành hiếm hoi của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bền bỉ suốt hai thập kỷ qua. Dữ liệu của tạp chí Nhà Quản Lý cho thấy, suốt 19 năm, từ năm 2000 đến nay, doanh số bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng hai chữ số. Báo cáo về ngành bán lẻ 2019 của Deloitte nhận định, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất, tạo tiền đề cho lĩnh vực bán lẻ phát triển.
Tuy nhiên, bán lẻ không phải là mảnh đất riêng của các trung tâm thương mại.
Thương mại điện tử với cuộc chiến khốc liệt giữa các bên như Tiki, Lazada, shoppee, Sendo…đang phần nào định hình lại cuộc chơi bán lẻ. Trải nghiệm mua sắm hiện tại không chỉ là cùng bạn bè, gia đình đến các trung tâm thương mại sang trọng, mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong lòng bàn tay.
Không cần bước chân ra khỏi cửa, một khách hàng có thể “mua cả thế giới” với các hình thức thanh toán, vận chuyển thuận lợi. Các trang web, ứng dụng thương mại điện tử đang đi vào từng ngõ ngách đời sống của cư dân đô thị. Điện thoại thông minh đang thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử nhanh hơn bao giờ hết. Chỉ cần quan sát tại bất kỳ tòa nhà văn phòng nào tại Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, nơi các nhân viên công sở liên tục ra vào để nhận các kiện hàng được chuyển đến, có thể thấy thị trường thương mại điện tử tiềm năng đến thế nào.
Quy mô ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đã đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 – theo số liệu được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 tổ chức cuối tháng Ba vừa qua. So với tổng mức bán lẻ, doanh số thương mại điện tử chiếm khoảng 4,2%. Tỷ trọng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ.
Theo số liệu của Savills, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ quý II.2019 tại thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội đạt gần 3 triệu m2, tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó là những tên tuổi lớn đang có kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam như Lotte, Aeon, CJ,...
Mức tăng diện tích các trung tâm thương mại tương đương với mức tăng doanh số chung của ngành bán lẻ. Trong khi ngành bán lẻ đang bị phân mảnh bởi thương mại điện tử, một lựa chọn thay thế cho bán lẻ truyền thống. Các trung tâm thương mại vì vậy vẫn phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến dành khách hàng. Xu hướng cạnh tranh có thể là mở rộng ra các khu đô thị cấp hai, cấp ba, nơi vẫn còn dư địa tăng trưởng. Hoặc đa dạng hoá dịch vụ tại trung tâm thương mại như các hoạt động giải trí, giáo dục,…
Thực tế, ngay cả các nhà bán lẻ lớn trên thế giới cũng đang phải đóng cửa không ít cửa hàng. Ví dụ trong năm 2017 Guess đóng cửa khoảng 60 cửa hàng, GameStop 150 cửa hàng, Payless ShoeSource khoảng 400 cửa hàng… 2018 được coi là năm đen tối của ngành bán lẻ Mỹ khi hàng loạt hãng lâu đời nộp đơn làm thủ tục phá sản như Remington Outdoor, Toy R Us… Các nhà bán lẻ lớn với hàng trăm cửa hàng đóng cửa là một tín hiệu không tốt đối với hoạt động cho thuê mặt bằng của các trung tâm thương mại.
Tuy vậy, đóng cửa một vài trung tâm thương mại không phải là câu chuyện to tát của nền kinh tế. Trang Dead Malls chuyên theo dõi và cập nhật tình trạng các trung tâm thương mại trên toàn nước Mỹ cho thấy vẫn luôn tồn tại những trung tâm thương mại “đang chết” đi với lượng khách ít ỏi. Đóng cửa trung tâm thương mại vì vậy phần nào cho thấy nền kinh tế đang vận hành một cách lành mạnh, nguồn lực được phân bố một cách tối ưu.
Đan Nguyên