Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thư ký hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, Hội đồng tư vấn do TS. Trần Du Lịch, ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia làm chủ tịch; TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM làm phó chủ tịch. Hội đồng gồm có 24 thành viên sẽ tư vấn cho TP.HCM thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98.
Hội đồng tư vấn và tổ Thư ký có nhiệm vụ tổ chức họp hoặc tổ chức hội thảo khoa học để trao đổi, đề xuất với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM những nội dung ưu tiên, quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 98; các giải pháp, đề án và những vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại nghị quyết này.
Đồng thời, tư vấn cho Ủy ban nhân dân TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM ban hành các kế hoạch trong từng thời kỳ, các biện pháp chỉ đạo điều hành để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98; tư vấn nội dung chương trình giám sát định kỳ hàng quý, giám sát chuyên đề hoặc đột xuất khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu.
Hội đồng tư vấn và tổ Thư ký được chủ động làm việc với các sở, ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố và được đề nghị cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin, số liệu liên quan.
Hai cơ quan này cũng được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu và am hiểu sâu về các lĩnh vực liên quan đến Nghị quyết 98.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM là cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn; chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn.
Nghị quyết 98 gỡ vướng các dự án đang bế tắc của TP.HCM
Ngày 24/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, với tỷ lệ 97,37% đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này nhằm thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đó về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, và có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2023.
Ngày 10/7/2023, tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã biểu quyết ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, Hội đồng nhân dân TP.HCM được giao 14 nhiệm vụ. Bao gồm: Ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…
Ngày 11/7/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Quyết định 2896/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 27/CT/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Quyết định 2896 yêu cầu các sở ngành, doanh nghiệp thuộc TP.HCM, ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức chủ động tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống năng động sáng tạo quyết tâm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố kỳ vọng, với việc thí điểm Nghị quyết 98, Thành phố sẽ giải quyết những tồn đọng ở những dự án đang dang dở, bế tắc. Nghị quyết này cũng giải quyết khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên cũng không phải gỡ được tất cả các khó khăn. “Vì vậy, để triển khai Nghị quyết 98, trước hết Thành phố phải chủ động, sau đó sự đồng hành của trung ương, cùng sự tham gia của nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chân dung TS Trần Du Lịch
TS Trần Du Lịch từng là Chủ nhiệm chương trình Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế TPHCM, có hơn 20 năm gắn bó với các chương trình, đề án phát triển và đổi mới cơ chế quản lý của TPHCM, nhiều năm liền là thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.
Ông Trần Du Lịch sinh ngày 19/8/1952, quê xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông có bằng tiến sỹ kinh tế, trường Đại học kinh tế-tài chính Leningrat (1987). Ông từng tu nghiệp về quản lý kinh tế tại trường Đại học Georgetown, Washington (1994). Ông cũng là luật sư Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (1991).
Trước khi trở thành thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Du Lịch là đại biểu Quốc hội khóa 9, 12, 13, thuộc đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh. Ông từng giữ vị trí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12 và 13.
TS Trần Du Lịch cũng là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương (2006-2016). Ông từng tham gia tư vấn kinh tế và cải cách hành chính cho cố Thủ tướng Võ văn Kiệt; tham gia Ban nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan văn Khải và Tổ chuyên gia tư vấn của nguyên Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng.
Trưởng thành từ ngành giáo dục, ông Trần Du Lịch từng là Hiệu phó Trường cấp 3 Thăng Long, quận 3, TP Hồ Chí Minh niên khóa 1975 - 1976, sau đó chuyển sang nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh.
Trải qua nhiều vị trí công tác và học tập, năm 1991 ông về làm việc tại Viện kinh tế TP Hồ Chí Minh và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ phó viện trưởng rồi viện trưởng (nay là Viện nghiện cứu phát triển TP Hồ Chí Minh).
TS Trần Du Lịch đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố; chủ trì, đồng chủ trì nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế và đổi mới thể chế kinh tế cho TP Hồ Chí Minh. Các công trình nghiên cứu của ông là cơ sở khoa học để tham mưu trực tiếp cho thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh về quản lý và phát triển Thành phố; đồng thời là cơ sở thực tiễn để đóng góp nhiều chính sách cho trung ương.
Với những đóng góp của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh.