TS Nguyễn Hữu Huân: Để ngân hàng xử lý trái phiếu là không khả thi

Hải Thu

18/11/2022 11:32

TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng các ngân hàng không có trách nhiệm và chẳng mấy mặn mà với việc xử lý trái phiếu. Cách khả thi hơn cả là Bộ Tài chính chủ trì việc thành lập một tổ chức như mô hình VAMC, thu mua trái phiếu rồi xử lý.

PV: Trái phiếu đang được nhìn nhận là căn nguyên gây ra nỗi đau đầu đối với các nhà băng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Hữu Huân: Kênh trái phiếu liên thông với kênh ngân hàng. Hiện nay, kênh trái phiếu đang cực kỳ căng thẳng, khả năng hóa nợ xấu khá cao và đó là nỗi đau đầu với các ngân hàng – vốn là nơi bán trái phiếu cho các công ty chứng khoán và tổ chức phát hành, chưa kể là nhiều ngân hàng cũng có chung chủ với các tổ chức phát hành trái phiếu.

Vừa qua, Bộ Tài chính có phát đi thông điệp: người mua trái phiếu tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người mua trái phiếu và có thể kích hoạt bất ổn xã hội.

Thực tế, rất nhiều trái chủ đã mua trái phiếu ở các ngân hàng, do được nhân viên ngân hàng tư vấn rằng trái phiếu an toàn như gửi tiết kiệm, cùng lắm là ngân hàng sẽ mua lại. Nhưng thực tế đó chỉ là cam kết bằng miệng, không có văn bản gì. Cho tới khi vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nổ ra, khiếu kiện đã lập tức xuất hiện.

Nhưng SCB không phải là đơn vị phân phối trái phiếu lớn nhất hệ thống ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng hiện có dư nợ trái phiếu chiếm 10% tổng tài sản, tức gấp đôi vốn chủ sở hữu. Đó là rủi ro rất lớn.

PV: Cơ quan quản lý luôn nói thanh khoản dồi dào, nhưng với tình trạng hiện tại, ông nghĩ thanh khoản ở trạng thái nào?

TS Nguyễn Hữu Huân: Thanh khoản dồi dào là do các ngân hàng chưa chịu áp lực mua lại trái phiếu, và thực tế là họ cũng không có nghĩa vụ mua lại trái phiếu.

Tuy nhiên, vì giữ lòng tin của người gửi tiền, một số ngân hàng hiện đang tích cực mua lại trái phiếu. Dù vậy, cần thấy rằng không có ngân hàng nào đủ lớn để bao trọn được. Đến một lúc không gồng được nữa, vỡ tung ra, thì hệ lụy sẽ rất lớn.

trai-phieu-1668745832.jpg
TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng có thể lập một tổ chức xử lý trái phiếu, tương tự như mô hình VAMC. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng để hỗ trợ cho các ngân hàng, đâu đó khoảng 3 tỷ USD, là một mức khá lớn, đáp ứng cho giai đoạn cuối năm, vốn luôn cực kỳ căng thẳng do nhu cầu đảo nợ của doanh nghiệp lên cao, nhất là khi room tín dụng không còn nhiều.

Chúng ta thấy mặc dù lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm, thể hiện thanh khoản ngắn hạn tương đối ổn, nhưng lãi suất huy động vẫn tăng, cho thấy thanh khoản trung hạn chưa ổn. Điều an ủi là chúng ta đã qua được giai đoạn cao điểm cuối năm rồi. Đó là lý do lần đầu tiên trong mấy tháng qua Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD.

PV: Có quan điểm cho rằng nên để các ngân hàng thương mại xử lý trái phiếu. Nhưng với bối cảnh hiện tại của hệ thống như ông nói ở trên, ông có cho rằng đây là phương án khả thi?

TS Nguyễn Hữu Huân: Ngân hàng đã có sẵn nợ xấu, giờ để họ ôm thêm một cục nợ xấu nữa, e rằng họ không kham nổi. Ngoài ra, cần phải xét đến yếu tố trách nhiệm của ngân hàng, họ không phải là người phát hành trái phiếu nên không có trách nhiệm xử lý và chắc hẳn là cũng chẳng ai mặn mà.

Chưa kể đến một vấn đề khác là tiền đâu để xử lý? Tổ chức phát hành còn có tài sản bảo đảm, khi không thanh toán được nợ trái phiếu thì có thể mở thủ tục phá sản và sau đó xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ cho trái chủ. Ngân hàng đâu có trách nhiệm làm điều đó.

Phương án để ngân hàng tham gia là các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu cho ngân hàng. Ngân hàng ôm hết đống trái phiếu đó rồi làm việc với tổ chức phát hành. Tuy nhiên, có lẽ không mấy ngân hàng muốn làm điều này.

PV: Theo ông, phương án khả thi có thể là gì?

TS Nguyễn Hữu Huân: Đơn vị nào quản lý trái phiếu thì phải có trách nhiệm xử lý vấn đề trái phiếu. Ở đây là Bộ Tài chính chứ không phải Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, Bộ Tài chính quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến trái phiếu phát hành không đúng chuẩn (đa số không có tài sản bảo đảm, hoặc có nhưng không đủ). Các công ty chứng khoán, ngân hàng đã lợi dụng các kẽ hở để phát hành.

Theo tôi, Bộ Tài chính cùng các cơ quan chuyên môn như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có thể đứng ra thành lập tổ chức xử lý trái phiếu, như mô hình Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trước đây, tập hợp trái phiếu lại, xử lý tài sản bảo đảm, trả lại tiền cho trái chủ. Cách này nhanh hơn là thông qua ngân hàng, chỉ có một điều lưu ý là cần hạn chế bán tài sản cho khối ngoại.

PV: Như vậy thì triển vọng cho thị trường M&A sẽ rất sáng?

TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi dự đoán là sẽ khá sôi động, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực “đi săn” và có thể họ sẽ mua được rất nhiều, đây là giai đoạn “sale-off” trên thị trường tài sản Việt Nam.

Rất đau đớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam khi phải bán tài sản (tài sản tài chính, bất động sản…), nhưng đó là luật chơi và kẻ được lợi là khối ngoại.

Họ đã đổ tiền vào các thị trường mới nổi như Việt Nam, đẩy kinh tế lên, tạo bong bóng, thu hút tầng lớp trung lưu đổ tiền vào, rồi bán chốt lời ở đỉnh cao. Họ đẩy tiền về nước, tạo ra áp lực tỷ giá lớn, tạo ra khủng hoảng, làm vỡ bong bóng, khiến tài sản tài chính giảm giá không phanh.

Đến lúc đó, họ lại quay lại, mua với giá rẻ và bắt đầu một chu kỳ “xén lông cừu” tiếp. Tầng lớp trung lưu Việt Nam bị ăn mòn hết tiền, lại “đi cày” và lại bị dẫn dụ vào một cuộc chơi mà tỷ lệ thua luôn cao hơn tỷ lệ thắng. Đó chẳng khác nào một hình thức "thuộc địa kiểu mới" mà các thị trường mới nổi đều phải chịu đựng.

Xin cảm ơn ông!

Hải Thu